Bà Ann Marie, Giám đốc USAID cho biết sẽ hợp tác với Cần Thơ trong xử lý rác thải y tế và giảm rác thải nhựa. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện vừa ký kết “Thỏa thuận hợp tác giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa y tế” với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe (CHERAD) theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đây là bệnh viện đầu tiên tại Cần Thơ cũng như khu vực phía Nam triển khai mô hình này.
Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, mô hình nằm trong “Dự án giảm thiểu ô nhiễm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Winrock International được USAID ủy quyền quản lý và hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ quản, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe triển khai thực hiện.
Chương trình được triển khai trong giai đoạn 2022-2025 tại 5 bệnh viện ở Việt Nam (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) với mục đích nhằm gia tăng khả năng xử lý và tái chế rác thải nhựa y tế, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được lựa chọn là nơi triển khai xử lý rác thải nhựa y tế theo mô hình kinh tế tuần hoàn do đây là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô 1.000 giường bệnh nhưng đang phải bố trí tới 1.300 giường để phục vụ cho số lượng bệnh nhân ngày một tăng cao, lượng rác thải nhựa y tế rất lớn.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam cho biết, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, thế giới đang tạo ra một lượng rác thải nhựa lớn gấp đôi so với hai thập kỷ trước.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 tấn rác thải nhựa được thải ra tại các cơ sở y tế, với hơn 65% chất thải nhựa lây nhiễm. Trong khi đó, nhựa sử dụng cho các vật tư y tế là loại nhựa có chất lượng rất tốt.
Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế, hầu hết thải bỏ sau 1 lần sử dụng do những khó khăn liên quan đến công tác phân loại và xử lý chất thải y tế. Để thay đổi điều này đòi hỏi nỗ lực phối hợp của ngành y tế, các công ty tái chế và các cơ quan chính phủ.
Hiện, USAID có một số chương trình, dự án ưu tiên thực hiện tại Việt Nam; trong đó tập trung vào các lĩnh vực môi trường, giáo dục, y tế cộng đồng.
Đặc biệt, USAID quan tâm hợp tác thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu. Thông qua dự án, USAID sẽ chung tay với các đối tác Chính phủ Việt Nam, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất thải rắn và ô nhiễm chất thải nhựa.
Đối với thành phố Cần Thơ, USAID ưu tiên hợp tác về giảm thiểu chất thải, rác thải y tế trong bệnh viện; giảm biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp. USAID phối hợp với các nhóm đối tác triển khai các sáng kiến nhằm giảm lượng chất thải nhựa y tế thông qua tăng cường hoạt động tái chế.
Cụ thể, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe cho biết, đội ngũ nhân lực của Trung tâm với sự hỗ trợ công nghệ, máy móc, quy trình, chuyên gia của Tổ chức Winrock International sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải nhựa y tế tại các bệnh viện.
Trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng điểm là hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý bền vững chất thải nhựa y tế; hỗ trợ thiết kế và triển khai giải pháp khử khuẩn; theo dõi, giám sát, đánh giá và nhân rộng mô hình.
Tại bệnh viện, các giải pháp truyền thông tiếp cận tác động tập thể sẽ được thực hiện song song với kiểm soát chặt chẽ quy trình nhập vật tư y tế nhựa.
Điều này nhằm hướng tới việc nâng cao ý thức chung tay giảm thiểu rác thải nhựa y tế từ bệnh nhân, người nhà chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế…; chuẩn hóa quy trình xử lý rác thải nhựa y tế ngay từ khâu nhập vật tư.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng được hỗ trợ kết nối với đối tác là các đơn vị xử lý rác thải nhựa y tế đủ năng lực, có hệ thống khử khuẩn đạt chuẩn để khử khuẩn chất thải nhựa y tế lây nhiễm thành không lây nhiễm trước khi đưa đi xử lý tái chế.
Cuối cùng, rác thải nhựa y tế sẽ được phân loại và tái chế thành các hạt nhựa đạt chuẩn, cung cấp cho các đơn vị làm nguyên liệu đầu vào sản xuất đồ nhựa tái sử dụng như thùng rác, túi rác, chậu hoa…
Đến cuối năm 2025, mô hình giảm thiểu rác thải nhựa y tế triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ được các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả.
Dựa trên kết quả này, mô hình sẽ được nhân rộng tại nhiều bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, chung tay xây dựng hành tinh xanh./.
Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)