Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Long An - Đoàn Văn Chiến, NĐTP là hội chứng cấp tính, xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng ở dạ dày - ruột (nôn, tiêu chảy,...) và những triệu chứng khác tùy theo đặc điểm của từng loại ngộ độc (tê liệt thần kinh, co giật, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, vận động,...).
Tác nhân gây ngộ độc có thể là chất độc hóa học (hóa chất bảo vệ thực vật), chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (một số loài động vật hoặc thực vật), do vi sinh vật (vi khuẩn, virút, ký sinh trùng) và do thức ăn bị biến chất.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể
Đa số biểu hiện của NĐTP là hội chứng cấp tính, thời gian nung bệnh ngắn, phát bệnh nhanh. Do cùng ăn uống chung nên thông thường, trong 1 lần ngộ độc có trên 1 người mắc bệnh, hình thành trạng thái lan rộng ra nhiều người; có khi là 1 gia đình mắc bệnh hoặc rất đông người ăn cùng trong 1 nhà ăn tập thể hoặc ở nhiều nơi khác nhau nhưng cùng ăn chung một loại thực phẩm.
Do đó, với bếp ăn tập thể tại trường học, doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, dịch vụ ăn uống công cộng,... thì việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là vô cùng quan trọng với các quy trình khắt khe.
Với sự quyết liệt, nỗ lực của các cơ quan chức năng, liên tục trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận các trường hợp NĐTP. Các cơ quan chức năng tuyến tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Với tuyến tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có 30 đoàn (Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra tại 869 cơ sở. Kết quả, có 72 cơ sở vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính trên 812 triệu đồng.
Ngoài ra, các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành lấy 123 mẫu (chả lụa, lạp xưởng, cà phê, tương ớt, khô bò, thực phẩm chay, thủy sản khô, nước uống đóng chai, nước đá) để kiểm nghiệm. Kết quả có 5 mẫu không đạt: 2 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hóa (2 mẫu khô bò chứa chất vàng ô); 3 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh (1 mẫu nước uống đóng chai nhiễm Pseudomonas aeruginosa; 1 mẫu nước đá nhiễm E.Coli, Coliforms, Streptococci feacal; 1 mẫu đùi gà nhiễm Salmonella). Tuyến huyện, xã có 291 đoàn thanh, kiểm tra tại 7.059 lượt cơ sở. Kết quả, có 570 lượt cơ sở vi phạm, 62 lượt cơ sở bị xử lý; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 117 triệu đồng.
Năm 2022, các đoàn thanh, kiểm tra cấp tỉnh, huyện, xã cũng tích cực thanh, kiểm tra các cơ sở, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì ATTP và sắp tới đây là dịp Tết Trung thu. Trong dịp Tết Nguyên đán, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến tỉnh đến huyện, xã tiến hành kiểm tra 3.976 cơ sở. Kết quả, 302 lượt cơ sở vi phạm, xử lý 18 cơ sở với số tiền gần 87 triệu đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh cơ sở, con người (không khám sức khỏe cho người lao động); chưa có sổ theo dõi nguyên liệu thực phẩm; nguồn nước dùng để chế biến không bảo đảm; không có giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hạn; trang thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, giết mổ gia súc không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, nơi chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm mà có ít nhất một trong các chỉ tiêu ATTP không phù hợp với mức quy định của pháp luật tương ứng; hàng hóa hết hạn sử dụng;...
Nâng cao ý thức người dân
Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm. Theo đó, các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền với các thông điệp về bảo đảm ATTP; cách bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn; ATTP mùa dịch Covid-19; bảo đảm ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố;... Việc tuyên truyền được thực hiện chủ yếu trong các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì ATTP, bảo đảm ATTP trong mùa hè, Tết Trung thu.
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao
Bên cạnh đó, trong công tác thanh, kiểm tra, các đoàn công tác cũng kết hợp đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp và người lao động tuân thủ các quy định về ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển. Các cơ quan, đơn vị tuyên truyền về bảo đảm ATTP đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, treo băng rôn tại trụ sở trong đợt cao điểm Tháng hành động Vì ATTP. Tuyến huyện, xã tuyên truyền chủ yếu bằng hình thức phát thanh, treo băng rôn trong các đợt cao điểm. Bên cạnh đó, một số huyện còn tuyên truyền trực tiếp đến người dân qua nói chuyện chuyên đề, họp nhóm, vãng gia,...
Nhờ tăng cường tuyên truyền, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đơn vị tổ chức các bếp ăn tập thể ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tổ chức hoạt động. Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (phường 2, TP.Tân An) - Nguyễn Thị Đài Trang cho biết: “Mỗi ngày, trường cung cấp khoảng 450 suất ăn cho học sinh ở 3 điểm trường. Là đơn vị tổ chức bếp ăn trong trường học, việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ NĐTP là yếu tố quan trọng hàng đầu, do đó, Ban Giám hiệu chú trọng lựa chọn ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm chất lượng. Nhà trường cũng có phần mềm tính lượng dinh dưỡng hàng ngày; bảo đảm đủ các nhóm chất cho sự phát triển thể chất của trẻ. Nhân viên cấp dưỡng được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức ATTP. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên kiểm tra quy trình chế biến, bảo quản và lưu mẫu thực phẩm; tăng cường nhắc nhở nhân viên nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể trong trường học, tạo niềm tin cho phụ huynh và uy tín của nhà trường”.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì việc chủ động phòng ngừa NĐTP, ý thức người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe là vô cùng quan trọng. Hiện công tác quản lý còn gặp khó khăn, bất cập trong kiểm soát thực phẩm đường phố, các nhóm nấu ăn di động, đặc biệt trong thời điểm mùa hè, nguy cơ dịch bệnh về đường tiêu hóa càng dễ bùng phát, người dân phải thực sự là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn những sản phẩm chất lượng, uy tín./.
Mười nguyên tắc vàng chế biến an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
1. Chọn thực phẩm an toàn
2. Thực hiện “ăn chín, uống chín”
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
5. Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến, kinh doanh thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác
10. Sử dụng nguồn nước sạch
|
Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Đoàn Văn Chiến, thời điểm này đang vào mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao là yếu tố thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển, thức ăn dễ ôi thiu, hư hỏng kéo theo nguy cơ NĐTP gia tăng. Do đó, người dân cần chú ý các nguyên tắc trong sử dụng, chế biến thực phẩm để phòng tránh các tác nhân gây hại cho sức khỏe. Bên cạnh tuân thủ “Mười nguyên tắc vàng trong chế biến ATTP”, người dân cũng cần nắm bắt một số biểu hiện NĐTP cùng việc xử trí ban đầu.
Biểu hiện NĐTP rất đa dạng (có thể có một hay kết hợp cùng lúc nhiều triệu chứng) như nôn ói, đau quặn bụng, đau quanh rốn, tiêu chảy; nhức đầu, chóng mặt, mệt lả, bủn rủn tay chân, da nhợt nhạt, đổ mồ hôi lạnh, choáng váng, hoa mắt. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện như nổi mề đay, da ửng đỏ, sốt nhẹ hoặc sốt cao; co giật, tuột huyết áp, nhịp tim chậm;...
Khi bị NĐTP, cần cho nôn càng nhiều càng tốt các thức ăn nghi ngờ nhiễm độc; thực hiện bù nước, chất điện giải (nước muối đường, dung dịch Oresol) để thay thế lượng nước, điện giải bị mất đi do tiêu chảy và nôn mửa. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.
|
Phạm Ngân