Các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nối lại cánh tay cho một bé gái 5 tuổi - Ảnh: BVCC
Các bác sĩ cho biết rất nhiều tình huống dẫn đến trẻ bị tai nạn sinh hoạt.
Nhiều tai nạn đau lòng
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ tính từ tuần cuối tháng đến nay, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận hơn 20 trẻ bị chấn thương đầu, tay, chân do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt.
BS Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết số trẻ bị tai nạn đang có xu hướng tăng. Chỉ riêng từ ngày 30/12 đến ngày 1/1, Bệnh viện Nhi đồng TP đã tiếp nhận 33 trẻ bị tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Trong số này có 13 trẻ bị tai nạn giao thông, còn lại 20 trẻ bị tai nạn sinh hoạt.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng thông tin vừa nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bé gái Lê Phương O., 5 tuổi, ngụ ở tỉnh Trà Vinh.
Theo người nhà bé O. kể lại, bé O. mặc áo khoác, một tay áo khoác bé xỏ vào tay, còn tay áo kia bé để thõng xuống. Trong khi bé ngồi sau xe máy được mẹ chở trên đường ở Trà Vinh, tay áo để thõng xuống đã bị cuốn vào xe máy, giật bé té ngã và kéo lìa cánh tay phải của bé.
BS Hòa Khánh - trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - lưu ý các bậc cha mẹ khi chở các bé nhỏ bằng xe máy phải đảm bảo an toàn.
Còn ThS Huỳnh Thị Thúy Kiều, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng: "Gần Tết Nguyên đán, các bậc phụ huynh không nên lái xe khi đã uống rượu bia, phải luôn chấp hành luật giao thông để con trẻ noi theo cũng như tránh gây tai nạn cho trẻ".
Bị thân vợt cầu lông găm vào đầu
Mới đây, bé Y.N., 6 tuổi, ngụ tại Bình Phước, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng hôn mê sâu, có vết thương trước đỉnh đầu đã được khâu. Kết quả CT-scan ghi nhận tổn thương xuyên thấu qua não từ phía trước đỉnh đầu xuyên ra đến phần tiểu não phía sau, gây xuất huyết dưới màng cứng, chèn ép và phù não.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 lập tức thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để lấy máu tụ và mở sọ giải áp. Hơn 10 ngày sau phẫu thuật cấp cứu và tích cực điều trị, hiện bệnh nhi đang hồi phục, mở mắt và cử động tay chân tự nhiên.
"Mặc dù có dấu hiệu phục hồi tốt nhưng chắc chắn sẽ có di chứng về thần kinh do não đã tổn thương nặng, bé chưa nói được và còn yếu nửa người trái" - ThS Nguyễn Ngọc Pi Doanh, khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho hay.
Theo những người chứng kiến vụ việc kể lại, trước đó bé N. đã đứng phía trước nhà xem các anh chị đánh cầu lông. Bất ngờ phần thân vợt rời khỏi tay cầm, bay vút lên và rơi xuống, găm vào đầu bé. Bé được mọi người đưa đến bệnh viện tuyến dưới sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ cho biết đây là tai nạn sinh hoạt nguy hiểm. Bệnh viện khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cảnh giác trước các vật dụng có thể khiến trẻ dễ bị thương. Đối với vợt cầu lông như trường hợp này, người nhà nên kiểm tra lại dụng cụ trước khi sử dụng để phòng tránh sự cố tương tự.
Coi chừng trẻ ở nhà một mình, trẻ chế tạo pháo
Bé T., 14 tuổi, ngụ ở Gia Lai, hiện đang được y bác sĩ của khoa bỏng - chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2 tích cực điều trị các vết thương phỏng ở vùng mặt, giập nát bàn tay phải… vì chế tạo pháo.
Người nhà bé kể lại do đang ở tuổi khám phá, tò mò nên T. có mua hóa chất, tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng. Ngoài bệnh nhi T., khoa cũng đang điều trị cho một bệnh nhi sinh năm 2011 cũng là nạn nhân do tự chế tạo pháo.
Nhằm tránh những tai nạn do tự chế pháo gây nổ, các bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng và chế tạo pháo, giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm như có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong. Đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết Nguyên đán khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.
Các bác sĩ nhấn mạnh việc tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người./.
Trong những ngày gần Tết Nguyên đán, người giúp việc về quê, trẻ được nghỉ học, cha mẹ bận bịu công việc, chuẩn bị Tết, trẻ không được người lớn "để mắt" đến thường xuyên cũng dễ có nguy cơ bị tai nạn trong sinh hoạt... Các bác sĩ tư vấn khi gặp tai nạn, người nhà cần đưa các em đi bệnh viện để khám kịp thời.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-tre-bi-tai-nan-gia-tang-20240107234232758.htm