Tiếng Việt | English

02/05/2024 - 15:12

Canh chua và văn hóa chống nóng  

Y học Đông phương cho rằng, nguồn gốc bệnh tật là do mất cân bằng âm - dương trong cơ thể. Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Nguyên liệu để nấu canh chua rất dễ tìm, gồm các loại rau như kèo nèo, bông súng, rau nhút, đậu bắp...; chất chua có nhiều loại như lá me non, lá dang, lá mầu, đọt cóc, đọt chùm ruột, ngay cả trái bần, trái khế cũng nấu được nồi canh ngon. Canh chua nấu với các loại thủy sản như cá lóc, cá linh, ếch đồng,...vừa đậm chất sông nước, vừa tăng hiệu quả chống nóng. Nhìn chung, vị chua là vị mát, các loại rau muối chua cũng có tác dụng tương tự. Người dân vùng Đồng Tháp Mười có câu: "điên điển mà đem muối chua/ ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm".

Trong mô hình Ngũ hành tương sinh, thủy, hỏa, mộc, kim, thổ tương ứng với thận, tâm (tim), can (gan), phế (phổi), tì (lá lách); tương ứng với mặn, đắng, chua, cay, ngọt. Theo đó, vị chua thuộc hành mộc, tốt cho quá trình giải độc gan, làm mát gan, hạ hỏa. Để giải rượu cho người say, người xưa thường cho uống nước chanh. Các loại trái cây như bưởi, cam, quýt cũng có tác dụng tương tự. Vị chua mang tính âm vừa phải, không nặng như vị đắng (khổ qua, rau đắng) nên người ăn ít bị phát hàn. Trong một nồi canh chua có đầy đủ ngũ vị mặn, đắng, chua, cay, ngọt nên ăn canh chua cũng là cách quân bình âm dương trong cơ thể.

Nước, thực vật, chất chua, thủy sản giúp canh chua trở thành món chống nóng tuyệt vời (ảnh sưu tầm)

Canh chua được nấu bằng những nguyên vật liệu dễ tìm, bổ dưỡng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Tây Nam Bộ, đúng với câu “trời sanh voi sanh cỏ”. Tuy nhiên, mỗi người cần dành thời gian quan sát cơ thể mình. Dù món ăn có ngon đến đâu cũng chỉ ăn vừa đủ. Quy tắc dưỡng sinh của người xưa là chỉ ăn no 7 phần. Một món ăn dù không độc hại nhưng dùng quá liều cũng gây ảnh hưởng xấu. Một căn bệnh khi phát ra, đi bệnh viện là đang chữa cái ngọn. Quy tắc chữa bệnh của người xưa là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Theo đó, mỗi bữa ăn hằng ngày của họ là một bài thuốc. Những bài thuốc ấy không đâu xa, nó có trong môi trường sống của con người. Câu chuyện về thần y Biển Thước là một ví dụ sống động. Ông cùng với Hoa Đà, Lý Thời Trân, Trương Trọng Cảnh, Tôn Tư Mặc là những đại danh y nổi tiếng.

Biển Thước còn hai người anh cũng hành nghề y nhưng không nổi tiếng bằng ông. Một lần, vua hỏi trong ba người thì ai giỏi nhất. Biển Thước tâu: Anh cả là người giỏi nhất, anh kế giỏi nhì, cuối cùng mới là Biển Thước. Vua lấy làm lạ, Biển Thước lại tâu: Anh cả của thần chữa bệnh bằng cách phòng bệnh, khi nó còn chưa có triệu chứng nên người đời không ai biết, thành thử không nổi tiếng. Anh kế của thần chữa bệnh khi nó vừa có biểu hiện nhẹ, nên anh thần chỉ được biết tiếng trong thôn xóm là chỉ chữa bệnh vặt. Còn thần chữa bệnh khi nó đã phát nặng, thập tử nhất sinh. Những ca bệnh này dù có chữa khỏi vẫn để lại đi chứng. Do đó mà thần nổi tiếng.

Đọc tích xưa, tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta đều có thể trở thành người anh cả của Biển Thước, trở thành vị thần y của chính mình. Thuốc chẳng ở đâu xa, đó là cỏ cây, tôm cá đặc trưng vùng miền. Chúng ta có thể chữa nóng từ bên trong, chỉ với tô canh chua bình dị./.

Lê An

Chia sẻ bài viết