Tiếng Việt | English

01/07/2019 - 09:59

Cấp bách chống dịch tả heo châu Phi

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) lây lan rất nhanh. Trước tình hình dịch bệnh, ngành chức năng, các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách để chống, dập dịch, hạn chế lây lan sang các địa phương khác.

Các địa phương tăng cường tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm từ thịt heo ra, vào địa bàn

Các địa phương tăng cường tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm từ thịt heo ra, vào địa bàn

Dịch bệnh lây lan nhanh

Nhằm chủ động phòng, chống DTHCP, thời gian qua, UBND tỉnh Long An ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan để các địa phương chủ động thực hiện và thành lập trên 31 chốt kiểm dịch tạm thời, 15 đội kiểm soát lưu động trên địa bàn các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xảy ra và lây lan rất nhanh. Sau khi huyện Đức Hòa xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại xã Đức Hòa Thượng (ngày 16/6), đến nay, toàn tỉnh có trên 20 ổ dịch xảy ra tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường.

Theo nhận định của ông Dương Minh Phí - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh, nguyên nhân xảy ra dịch và khó khăn nhất trong công tác chống dịch hiện nay là về nhân sự, lực lượng thú y viên cấp xã hầu như không có nên việc theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện tiêm phòng gặp khó khăn; lượng heo sống ra, vào địa bàn tỉnh rất nhiều, khó kiểm soát, nhất là việc chấp hành quy định kiểm dịch xuất tỉnh, nhiều trường hợp xe mang biển số địa phương này nhưng giấy kiểm dịch của một địa phương khác; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố với nhau trong công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, phần lớn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều chăn nuôi nhỏ, lẻ, ý thức phòng, chống dịch chưa cao. Theo số liệu của Cục Thống kê, đến ngày 01/4/2019, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là 191.157 con (tăng 21.677 con so với cùng kỳ), trong đó, heo thịt 143.345 con, heo nái 20.938 con, heo đực giống 131 con. Hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ có gần 11.000 hộ, vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Đức Hòa,... Hầu hết các ổ dịch xảy ra đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Nguyên nhân, một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh; hơn nữa, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh ở phạm vi rộng; ý thức thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh vùng chăn nuôi còn hạn chế,... Theo nhận định của ngành chức năng, Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông có quốc lộ, đường tỉnh, đường mòn nên khả năng xảy ra dịch và nguy cơ lây nhiễm rộng rất cao.

Khi phát hiện heo nhiễm bệnh, địa phương tiêu hủy theo quy định

Khi phát hiện heo nhiễm bệnh, địa phương tiêu hủy theo quy định

Tăng cường thực hiện các biện pháp chống dịch

Tại huyện Bến Lức, địa phương xuất hiện ổ dịch nhiều nhất tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Út cho biết: “Trên địa bàn huyện xảy ra 11 ổ dịch tại 4 xã: Thanh Phú, Lương Bình, Phước Lợi và Long Hiệp. Tại các vùng bị dịch uy hiếp như các xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức, huyện đề nghị địa phương tăng cường chỉ đạo công tác triển khai khống chế dịch bệnh trên heo. Trong đó, tập trung thông tin, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng bệnh; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến trên heo như tai xanh, dịch tả heo cổ điển, lở mồm long móng,... Khi phát hiện đàn heo có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều,... chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay các biện pháp chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y. Tăng cường truyền thông 2 lần/ngày về những nội dung: Tuyệt đối không được sử dụng nước sông, ao, hồ trong chăn nuôi; không cho người lạ (thương lái, vận chuyển thức ăn,...) vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, lối đi xung quanh và dụng cụ chăn nuôi; tăng cường giám sát tại các điểm nguy cơ; củng cố lực lượng thú y cơ sở, thường xuyên cập nhật, theo dõi tổng đàn heo trên từng địa bàn. Đối với đàn heo nghi mắc DTHCP thuộc vùng dịch phải thực hiện test nhanh, nếu kết quả dương tính thì hủy toàn đàn. Các ca nghi mắc DTHCP thuộc vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thì thực hiện test nhanh, nếu dương tính phải lấy mẫu và gửi mẫu”.

Các địa phương tăng cường tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm từ thịt heo ra, vào địa bàn

Tại các địa phương xảy ra dịch và chưa có dịch, tỉnh triển khai chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY, ngày 15/11/2018; Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20/02/2019; Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY, ngày 22/02/2019... Các vùng uy hiếp, vùng đệm các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh chủ động lập chốt kiểm dịch trên các tuyến đường giao thông ra, vào vùng dịch; tiến hành rà soát và nắm lại chính xác tổng đàn heo/từng hộ, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp xã; tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn; thông báo đường dây nóng của địa phương trên các phương tiện truyền thông để tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, ngành cùng địa phương (nơi có dịch) tiêu hủy toàn bộ đàn heo nhiễm bệnh theo quy định (chôn). Đồng thời, ngành khuyến cáo địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm dịch động vật nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng; bố trí các hố sát trùng tại các tuyến đường ra, vào những địa phương có dịch. Thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp triển khai chống dịch. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện đàn heo có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều,... chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương; phân công cán bộ phụ trách địa bàn giám sát công tác chống dịch; thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại tại các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Tỉnh cấp thuốc sát trùng để tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch (bán kính 3km tính từ tâm điểm ổ dịch) và phun 1 lần/ngày liên tục trong 1 tuần, sau đó 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Đối với vùng bị dịch uy hiếp, phun 1 lần/tuần trong 3 tuần liên tiếp.

Các con đường lây nhiễm dịch tả heo châu Phi thường gặp và cách phòng ngừa

Đối tượng được hỗ trợ thuốc sát trùng gồm hộ có đàn heo xảy ra dịch bệnh; các hộ chăn nuôi heo có tổng đàn từ 100 con trở xuống. Ngoài đối tượng được hỗ trợ hóa chất khử trùng miễn phí, các cơ sở chăn nuôi, trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung tự chuẩn bị vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn”.

“Tỉnh chuẩn bị vật tư phòng, chống dịch gồm: Mua 50 tấn vôi bột, 7 cây chích điện và 4 bộ kit test nhanh với DTHCP; đang thực hiện gói thầu mua sắm 7.792 lít thuốc sát trùng Benkocid thuộc Kế hoạch truyền thông, khử trùng, tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2019 và mua thêm 12 tấn vôi bột. Ngoài ra, tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành ban hành quy định tạm thời mức hỗ trợ thiệt hại khi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể: Heo con dưới 28 ngày tuổi hỗ trợ 350.000 đồng/con; heo từ 28 ngày đến 60 ngày tuổi 750.000 đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác 4 triệu đồng/con; heo trên 60 ngày tuổi 36.000 đồng/kg” - bà Khanh thông tin./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết