Tiếng Việt | English

20/06/2019 - 18:20

Long An cấp bách chống dịch tả heo Châu Phi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 2 ổ dịch tả heo Châu Phi (tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa và phường 1, 2 của thị xã Kiến Tường), nguy cơ lây lan các địa phương khác rất cao. Trước tình trên, UBND tỉnh triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo Châu Phi 

Chiều 20/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp cấp bách chống dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chủ trì. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ DTHCP (tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa và phường 1, 2 của thị xã Kiến Tường). Theo ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh do hộ chăn nuôi mua heo con ghép heo mẹ không rõ nguồn gốc; thương lái mua heo từ vùng dịch Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) về giết mổ, sau đó xe chở heo tại cơ sở giết mổ tiếp tục mua heo của các hộ dân.

Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh cùng địa phương (có dịch) tiêu hủy hoàn toàn đàn heo nhiễm bệnh theo quy định. Đến nay, UBND tỉnh cũng hỗ trợ vật tư phòng, chống DTHCP gồm 5.000 lít thuốc sát trùng Benkcoid và 26 tấn vôi bột.

Ổ dịch xảy ra tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa

Ổ dịch xảy ra tại phường 1, 2 của thị xã Kiến Tường

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh đánh giá, hiện nay, khả năng lây lan DTHCP trên địa bàn tỉnh rất lớn do người và phương tiện vận chuyển ra vào khu vực chăn nuôi của các hộ dân nhiều, nhất là xe chở cám, sau đó đi giao cho các hộ khác. Con đường lây lan dịch mà người dân chủ quan là thương lái, người bắt heo, người và phương tiện chuyên chở cám, người và dụng cụ gieo tinh heo, sàn nước sinh hoạt hàng ngày - chuồng heo,…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: Các huyện có dịch tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm dịch động vật nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để, ngăn chặn dịch lây lan rộng; bố trí các hố sát trùng tại các tuyến đường ra vào nơi có dịch; triển khai tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các xã vùng dịch, các vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm.

Đồng thời, các địa phương thành lập ngay Ban Chỉ đạo xã, thị trấn; thống kê các hộ chăn nuôi và tăng cường các phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh, các biện pháp triển khai phòng, chống. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vận động các hộ nuôi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến trên heo: Tai xanh, dịch tả heo cổ điển, lở mồm long móng,…

Khi phát hiện đàn heo có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều,… chủ hộ nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành thú y; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; phân công cán bộ phụ trách địa bàn giám sát công tác chống dịch, kiểm soát các lò giết mổ lậu; tăng cường xử lý các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc qua địa bàn./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết