Khách trên tàu câu cá cùng lính hải quân
1. Chúng tôi rời đảo Đá Lát vào buổi trưa. Khi chiều muộn, tàu HQ 571 sừng sững giữa biển cả bao la, rẽ sóng lướt đi êm ru, từ xa đã thấy thấp thoáng những hàng cột điện gió cao chót vót với những cái chong chóng khổng lồ xoay tít của Trường Sa Lớn. Biển êm ả, sóng gợn lăn tăn. Cặp đảo Trường Sa Lớn, đưa đoàn hơn 100 thân nhân thăm lính đảo, 21 giờ, tàu nhổ neo, khi rời cảng khoảng 1 hải lý, loa tàu phát hiệu lệnh dừng. Theo lịch trình, cán bộ trên tàu sẽ có một đêm neo tại khu vực này để câu cá tăng gia, trước khi đưa đoàn thăm 10 đảo phía Nam quần đảo Trường Sa.
Lê Đại Dương, một sĩ quan có gần 10 năm phục vụ trên tàu 571 nói, họ chọn vị trí này bởi chiều hôm đó, khi tàu cập cảng, thấy những đàn cá chuồn hàng ngàn con thi nhau bay vút lên mặt nước. Chúng hối hả xòe những đôi cánh mỏng dính lướt đi vun vút trên không trung hàng trăm mét, rồi bất chợt rơi tõm xuống nước, như một vũ điệu tuyệt vời của biển. Và kinh nghiệm bao đời của người đi biển “có chuồn là có ngừ” đã được minh chứng.
Phía sau đuôi tàu, hàng chục cần thủ là cán bộ, sĩ quan và khách, đang chuẩn bị bộ đồ nghề câu. Ở một bên boong tàu, dàn đèn cao áp sáng trưng cả một vùng nước. Chỉ sau ít phút, từng đàn cá chuồn hàng ngàn con bị ánh sáng thu hút, vây kín dưới boong tàu. Nhóm cần thủ dùng vợt lưới tranh thủ vớt từng con cá chuồn đang chao nghiêng dưới ánh sáng đèn, lấp lánh như những thỏi bạc.
Mồi câu là những con cá chuồn được chong đèn cao áp vớt
Người lính hải quân móc câu vào con cá chuồn còn vùng vẫy, ném vội xuống nước. Chỉ sau vài phút thả mồi, mấy sợi dây câu liên tục bị giật mạnh. Dương chia sẻ, câu cá ở biển khác câu cá sông, khi chắc cá cắn câu, cần thủ giật nhẹ để lưỡi câu mắc vào miệng cá, sau đó xả dây câu từ từ.
“Nếu xả dây ngắn, cá sẽ hốt hoảng, vùng vẫy dễ sổng mất, còn dài quá, cá sẽ trốn vào rặng san hô, mắc kẹt dây. Quan trọng là phải kiên nhẫn đợi cá mệt lử rồi kéo lên” - Lê Đại Dương nói.
Phía bên đây mạn tàu, một cần thủ liên tục thu dây, hai bắp tay căng cứng, lưng áo đẫm mồ hôi: “Cá lớn, có thể là thu bè hoặc cá lượng” - cần thủ hô to, trong khi cố gắng lái sợi dây câu tránh vướng các dây khác. Mất nửa tiếng vật lộn, cuối cùng, phía dưới tàu, một màu đỏ lấp lánh xuất hiện. Cần thủ thận trọng dùng lao móc vào mang cá rồi kéo lên boong, một con cá nặng tầm 15kg, màu đỏ nhạt, vây vàng tươi tuyệt đẹp. Ít phút sau, bên kia mạn tàu, một cần thủ khác cũng cố dùng lao móc phập vào một con thu bè khoảng 10kg đang vẫy vùng.
Đêm câu đầu tiên, chúng tôi trúng lớn. Những con cá thu bè, ngừ lần lượt dính câu, giãy đành đạch trên boong tàu, ước chừng trên 100kg cá các loại.
2. Những đêm câu sau đó ở một số đảo khác, nhóm cần thủ liên tục giật phải cá ma. Loài cá này xấu xí đúng như tên gọi của chúng với hàm răng sắc nhọn, thân đen đúa, mỏng đét. Con lớn nhất dài khoảng 2m. Người thợ câu chỉ cần sơ suất khi gỡ lưỡi, bị hàm răng chúng phập vào là mất ngón tay như chơi. Thịt cá ma cũng thuộc loại săn chắc, ăn được nhưng không có giá trị dinh dưỡng cao. Có đêm bắt được nhiều cá ma, các cần thủ xẻ thịt chúng làm mồi câu.
Chiến lợi phẩm
Nhưng hung hăng và “cướp biển” nhất vẫn là cá mập. Với hàm răng sắc nhọn như dao, lũ cá mập thi nhau đớp từng mảng thịt lớn, đến khi cần thủ nhận ra, cố kéo được con cá lên bờ, chúng chỉ còn lại phần đầu và chút ít thịt ở phần thân.
3. Lê Đại Dương - người lính biển có cái tên như định mệnh cuộc đời. Dương cho biết, anh yêu biển như một sự tình cờ. Xuất thân gia đình làm nông ở TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, vào TP.HCM học, sau vài năm đầu phục vụ hải quân, anh biết cuộc đời mình sẽ gắn bó với sóng biển giữa trùng khơi.
Sau gần 10 năm lênh đênh trên biển, Dương nhớ rõ từng vùng nước nhiều, ít cá, loại cá theo từng tầng nước nông, sâu. Theo anh Dương, cá hồng, cá lượng đa phần thịt ăn được, nhưng ở một số đảo có loài san hô chứa độc tố, không biết mà ăn phải thịt cá là bị trúng độc, tay chân bủn rủn suốt mấy ngày. Có chuyến, Dương và đồng đội câu được những con cá mú, cá sủ 50-60kg, mùa cá dồi dào, một tàu câu khoảng 500-800kg cá mỗi đêm là chuyện thường.
"Người đi biển cũng quý mến và tôn trọng những người bạn đồng hành thân thiện - cá heo. Có đêm, khi vừa thả câu, xa xa đã thấy cả vùng biển nhấp nhô những cái đuôi quẫy nước bắn lên không trung. Nhóm cần thủ chủ động thu dây, bởi lo ngại cá heo ăn phải mồi" - anh Dương chia sẻ.
Một con cá nặng 15kg dính câu
Những ngày cuối cùng, chúng tôi rời điểm đảo cuối ở phía Nam quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh để đón đoàn thân nhân trước khi về lại cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trên hành trình trở lại, tàu HQ 571 đi ngang qua đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông của Tổ quốc, nơi mặt trời mọc đầu tiên ở Việt Nam. Trong ánh bình minh, đàn cá chuồn bỗng đâu vút lên, sải cánh lượn lờ rồi chao mình biến mất hai bên mạn tàu. Ánh mặt trời soi vào đôi cánh chuồn mỏng phản chiếu màu hổ phách.
Phía bên dưới chúng, đàn cá ngừ, thu to béo đang ẩn mình chờ cơ hội, kể cả lũ cá mập, cá ma. Từ đêm hôm qua, mưa bắt đầu nặng hạt kèm theo gió lớn. Và đàn cá heo 20-30 con xuất hiện, bơi gần mạn tàu nhiều hơn tuần trước, báo hiệu mùa biển động sắp đến, hứa hẹn chuyến câu sôi động vào mùa sau./.
Ký của Thụy Du