Tiếng Việt | English

24/12/2020 - 10:47

Cây bưởi da xanh trên vành đai biên giới

Từ Cầu kênh T28, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An theo đường tuần tra biên giới hướng xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người sẽ khá ngạc nhiên khi giữa cánh đồng lúa mênh mông là những vườn bưởi da xanh trên vành đai biên giới. Người nông dân xung kích đi đầu, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phá thế độc canh cây lúa ở vùng biên giới này là cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Ngoan (SN 1957) ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng.

Hội Cựu chiến binh tỉnh tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của cựu chiến binh Trần Văn Ngoan

Hội Cựu chiến binh tỉnh tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của cựu chiến binh Trần Văn Ngoan

Năm 1993, do đông con (4 trai, 1 gái), lại thiếu đất sản xuất, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, CCB Trần Văn Ngoan rời quê từ huyện Tân Trụ lên biên giới lập nghiệp. Tại một xóm nhỏ vùng biên ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, ông dựng căn nhà tạm, ngày ngày chí thú làm ăn. Những năm đầu lập nghiệp, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng ông vẫn “thắt lưng, buộc bụng”, dành dụm vốn liếng mua được 3ha đất sản xuất nông nghiệp sát vành đai biên giới. Những năm đầu canh tác, thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, chuột phá hoại, đất đai nhiễm phèn, mùa màng thất bát, có năm, ông trắng tay. Nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông kiên trì bám trụ mảnh đất vùng biên, cải tạo đất, đào đắp kênh, mương thau chua, rửa phèn,... Đất không phụ lòng người, qua nhiều năm chắt chiu, dành dụm, ông đã phát triển diện tích sản xuất lên 15ha.

Hơn 20 năm gắn bó ở vùng biên, CCB Trần Văn Ngoan nhận thấy, nếu độc canh cây lúa 2 vụ/năm trong khi giá bán nông sản bấp bênh thì sau khi trừ chi phí, nông dân chỉ đủ ăn, rất khó để làm giàu. Sau nhiều năm suy tính, trăn trở, năm 2007, ông mạnh dạn đầu tư gần 170 triệu đồng, chuyển đổi 2,5ha đất sát đường biên làm đê bao trồng 100 gốc dừa xung quanh, lên liếp 2ha trồng 1.000 gốc bưởi da xanh và trồng 0,5ha cỏ nuôi bò. Tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng.

Vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật, sau 3 năm (2007-2010), vườn bưởi, vườn dừa thu hoạch với năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa. Điều khá bất ngờ, cây bưởi da xanh lại thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng vùng biên, dễ chăm sóc, ít sâu, bệnh và có đầu ra ổn định, giá bán khá cao. Tính riêng năm 2019-2020, với 10 tấn trái thu hoạch mỗi năm, bán giá từ 40-60.000 đồng/kg, ông thu nhập bình trên 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí, còn lãi hơn 380 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập từ cây bưởi, mỗi năm, ông còn thu nhập từ cây dừa khoảng 10 triệu đồng và khoảng 30 triệu đồng từ nuôi bò.

Từ hiệu quả của cây bưởi da xanh trên vành đai biên giới, nhiều hội viên CCB trong xã đã chuyển đổi từ trồng lúa gò cao, hiệu quả thấp sang trồng cây bưởi da xanh như CCB Nguyễn Văn Thiệp ở ấp Sậy Giăng, CCB Trần Văn Nhung ở ấp Gò Châu Mai, CCB Nguyễn Văn Nin ở ấp Cả Trốt và hàng chục hộ nông dân khác trong xã. Đa số diện tích chuyển sang trồng bưởi đang phát triển rất tốt và có một số đã cho lứa trái đầu tiên, hứa hẹn đạt năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở khu vực vành đai biên giới./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết