Hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Gần 20 ngày sau khi Bộ Tài chính đề nghị kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu, một số doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu rục rịch giảm giá.
Dù vậy, với mức cước taxi nói riêng và vận tải nói chung hiện nay, Việt Nam vẫn đang là nước có chi phí vận chuyển cao nhất khu vực và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Đi lại chiếm 1/5 tổng chi phí của người Việt
Tới thời điểm này, cước taxi - lọai cước được người dân quan tâm nhiều nhất - vẫn "thi gan" cùng chỉ thị các bộ ngành và nguyện vọng người tiêu dùng.
Ở ngưỡng 15.000 đồng/km cho xe năm chỗ chạy trong phạm vi 30km và 16.000 đồng với xe bảy chỗ chạy ở TP.HCM, giá cước này đang bỏ xa cước các nước trong khu vực.
Theo số liệu của trang chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo, với mức cước taxi nói trên cùng giá các phương tiện khác, vận tải chiếm 21,4% tổng các loại chi phí sinh hoạt của người dân Việt Nam mỗi tháng.
Như vậy, hơn 1/5 tiền người Việt bỏ ra hàng tháng dành cho đi lại và 4/5 còn lại cho đủ thứ chi tiêu, từ ăn uống; mua sắm; điện - nước - điện thoại - internet; quần áo - giày dép; thuê nhà; thể thao - giải trí...
Trong khi đó, tại Singapore - nước có chi phí sinh hoạt cao nhất Đông Nam Á - cước taxi đang ở mức 8.700 đồng/km, bằng nửa giá cước mỗi km chạy trên đường Việt Nam (tuy nhiên, riêng km đầu tiên mở cửa ở Singapore tính 50.000 đồng).
Như vậy, nếu đi một chặng từ đường Lorong Chuan tới đường Jurong East Street 21 với chiều dài khoảng 20km, hành khách sẽ trả khoảng 290.000 đồng, trong khi đi quãng đường tương tự ở TP.HCM mất khoảng 300.000 đồng.
Cước taxi góp phần giúp chi phí vận tải của dân Singapore duy trì được ở mức vừa phải là 15% tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Đáng chú ý, giá xăng bán lẻ cho người dân Singapore trung bình khoảng một tháng gần đây đang ở mức khoảng 30.000 đồng/lít, cao hơn cả xăng bán lẻ của Việt Nam (xăng xuất khẩu từ Singapore sang Việt Nam lại có giá thấp hơn, tính ra khoảng dưới 9.000 đồng/lít).
Thêm vào đó, khấu hao xe tính vào giá cước của Singapore cũng cao hơn Việt Nam. Sở dĩ như vậy là do đảo quốc này có hệ thống giao thông công cộng tiên tiến và đủ đáp ứng nhu cầu đi lại nên rất hạn chế xe cá nhân khiến giá xe nơi này thường đắt gấp 3-4 lần so với giá xe của Việt Nam.
Ngay cả một nước láng giềng khác là Campuchia, giá cước taxi cũng rẻ hơn Việt Nam. Cước nơi này đang ở mức khoảng 12.000 đồng/km và vận tải cũng chỉ chiếm 15,1% tổng các loại chi phí sinh hoạt của người dân nơi đây mỗi tháng.
Cước taxi rẻ nhất trong khu vực phải kể đến Thái Lan, nơi hành khách đi mỗi km chỉ tốn 5.000 đồng, bằng 1/3 cước ở Việt Nam. Chi phí vận tải nhờ đó chỉ chiếm khoảng 13,2% tổng chi phí sinh hoạt của người Thái.
Trong khi đó, vận tải cũng chỉ chiếm 12,6% tổng chi phí sinh hoạt ở Lào, 14,3% ở Indonesia, 11,2% ở Trung Quốc và 9,8% ở Mỹ.
Phí vận tải cao, sức cạnh tranh kém
Theo quy luật kinh tế, chi phí vận tải cao luôn khiến sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia thấp tương ứng khi ra thị trường quốc tế.
Theo đánh giá vào năm 2014 của Ngân hàng thế giới (WB), chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực như Thái Lan là 19%, Trung Quốc 18%, Nhật Bản 11%, Singapore 8%, Mỹ là 7,7%.
Ông Lê Văn Ngãi, giám đốc công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Hà tại TP.HCM chỉ rõ chính chi phí vận tải và hậu cần của Việt Nam ở khoảng trên 20% trong khi mức của thế giới là 13% là khác biệt lớn.
“Đây là chuyện rất nghiêm trọng bởi chi phí như vậy khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp toàn cầu trên trường quốc tế. Mỗi một kiện hàng ra tới thị trường quốc tế phải đi qua biết bao chặng đường và gánh chi phí đáng kể từ cước vận tải nên chỉ cần cước Việt Nam nhỉnh hơn các nước đã đủ khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh ngay lập tức” - ông Ngãi phân tích.
Không chỉ hàng xuất khẩu thiệt hại, ngay cả xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam hiện nay cũng bị cước vận tải cao làm giảm sức hút đáng kể.
So sánh giữa Thái Lan và Việt Nam để thấy chi phí taxi tác động thế nào. Với giá mở cửa 22.000 đồng/km và cước mỗi km sau đó chỉ 5.000 đồng, hành khách đi dạo 20km ở Bangkok chỉ mất khoảng 120.000 đồng, rẻ hơn hẳn con số 300.000 đồng bỏ ra cho một chặng dài tương tự nếu đi taxi ở TP.HCM.
Chưa kể, nhờ cước đi lại và vận tải thấp hơn hẳn, chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 13,2% tổng chi phí sinh hoạt nên giá một loạt mặt hàng khác liên quan tới vận tải của Thái cũng cạnh tranh hơn Việt Nam, từ bữa ăn, sữa cho tới trái cây, theo số liệu của Numbeo.
Một thực tế là cước taxi nước này rẻ nhất Đông Nam Á cùng chi phí vận tải thấp và kéo theo là chi phí nhiều loại hàng hóa được duy trì ở mức dễ chịu với du khách đã góp phần giúp du lịch nước này phát triển hàng đầu khu vực, bất chấp bất ổn chính trị suốt những năm qua.
Cũng theo số liệu thống kê của trang web Numbeo, thu nhập trung bình của người Thái ở Bangkok đang ở khoảng 14,95 triệu đồng/tháng, gấp hơn hai lần mức 5,8 triệu đồng/tháng của người Việt ở TP.HCM./.
Cước taxi một số nước và tỉ trọng vận tải trong tổng chi phí hàng tháng của người dân (Nguồn: Numbeo)
Nước | Cước taxi (đồng/km) | Chi phí đi lại (%) |
Việt Nam | 15.000 | 21,4 |
Malaysia | 8.000 | 18,8 |
Campuchia | 12.000 | 15,1 |
Singapore | 8.700 | 15 |
Indonesia | 6.400 | 14,3 |
Thái Lan | 5.000 | 13,2 |
Lào | 24.000 | 12,6 |
Trung Quốc | 8.500 | 11,2 |
Myanmar | 26.000 | 10,9 |
Mỹ | 31.000 | 9,8 |
Hồng Quý/tuoitre online