Tiếng Việt | English

08/09/2021 - 10:14

Chia sẻ yêu thương, dìu nhau qua mùa dịch

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là công nhân, lao động (CNLĐ) và người nghèo. Với phương châm “Chia sẻ yêu thương, dìu nhau qua mùa dịch”, các cấp, các ngành, địa phương và các nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng CNLĐ, người nghèo vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.

Huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo

Long An là một trong những địa phương có ca nhiễm virút SARS-CoV-2 cao trong cả nước. Điều này làm cho địa phương phải đối mặt với áp lực của suy giảm kinh tế, nhiều ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động, người dân phải mất việc làm, không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, càng trong thử thách, dân tộc Việt Nam lại càng bừng lên tinh thần lạc quan, tươi sáng, càng trong hoạn nạn, người Việt lại càng phát huy tình nghĩa đồng bào “Lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chia sẻ khó khăn giữa mùa dịch.

Đó là những chuyến xe yêu thương chở theo hàng trăm tấn rau, củ, quả, thực phẩm vào tâm dịch, những bếp ăn thiện nguyện ngày đêm đỏ lửa cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn miễn phí cho người dân, hình ảnh những tình nguyện viên, cán bộ, đảng viên đến từng nhà trao tận tay các phần quà cho người nghèo đang gặp khó khăn do đại dịch,...

Nhiều nhà hảo tâm luôn âm thầm đồng hành với các mảnh đời khó khăn trong cuộc sống

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Lê Hoàng Vũ cho biết: “Từ khi địa phương xuất hiện các ca nhiễm virút SARS-CoV-2 trong cộng đồng, nhiều nơi bị phong tỏa, chính quyền các cấp vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài huyện tự nguyện đóng góp kinh phí, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân trong khu vực cách ly. Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, huyện vận động xã hội hóa hơn 12 tỉ đồng tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Trước đây, huyện Cần Đước thuộc “vùng đỏ” của tỉnh, có nhiều ca nhiễm virút SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay, huyện thoát khỏi “vùng đỏ”, trong đó có sự đóng góp tích cực của nhiều cá nhân, tổ chức trong việc chăm lo công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Long An là điểm sáng trong việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ

Trong những ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, gia đình tôi được các cấp, các ngành hỗ trợ lương thực, thực phẩm tận nhà nên cũng vơi bớt phần nào nỗi lo toan, an tâm ở nhà phòng dịch”.

Chị Trần Thị Thoa, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước

Chị Trần Thị Thoa, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đặt ra nhưng không có việc làm, thu nhập, gia đình tôi giống như “ngồi trên đống lửa”. May mắn trong những ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, gia đình tôi được các cấp, các ngành hỗ trợ lương thực, thực phẩm tận nhà nên cũng vơi bớt phần nào nỗi lo toan, an tâm ở nhà phòng dịch”.

Bên cạnh làm tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, Long An còn là điểm sáng trong việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 05/9/2021, tỉnh triển khai hỗ trợ cho 392.721 người thuộc các nhóm đối tượng với tổng kinh phí 241.192.034.669 đồng; trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 93.830 người với số tiền 129.470.400.000 đồng. Đặc biệt, địa phương vừa có quyết định hỗ trợ trên 53.800 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15kg gạo/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng, tổng số gạo hỗ trợ 807.000 tấn từ nguồn dự trữ quốc gia.

Huyện Cần Đước là một trong những địa phương làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Sở đang làm thủ tục để phối hợp Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP.HCM tiếp nhận gạo hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau đó, Sở sẽ bàn giao cho UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh cấp phát đến người dân bảo đảm kịp thời, đúng số lượng, đối tượng theo quy định. Việc hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, cận nghèo trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là việc làm cần thiết, mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài ra, hiện nay, Sở phối hợp UBND cấp huyện khẩn trương rà soát để thực hiện hỗ trợ khẩn cấp nơi ở cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội,...”.

Đồng hành, sát cánh cùng công nhân, lao động

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động, CNLĐ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng không ít, có người chỉ tạm nghỉ việc, có người mất hẳn việc làm. Đặc biệt, CNLĐ là người nhập cư, đang ở trọ thì khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thấu hiểu, cảm thông với những hoàn cảnh ấy, các cấp Công đoàn (CĐ) luôn đồng hành, sát cánh cùng CNLĐ, giúp họ vượt qua mùa dịch. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp CĐ. Thời gian qua, CĐ luôn quyết tâm, nỗ lực và có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ CNLĐ gặp khó khăn.

Một trong những hoạt động nổi bật trong thời gian qua là Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình “Phần quà kết nối yêu thương”, với tổng số 160.000 suất quà. Đây là chương trình hỗ trợ CNLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang sống tại các khu nhà trọ ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi CNLĐ hỗ trợ một phần quà gồm 100.000 đồng tiền mặt và 5kg gạo. Tổng kinh phí 16 tỉ đồng và 800 tấn gạo.

Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng bảng tượng trưng và giao lại quà Liên đoàn Lao động tại địa phương tặng cho công nhân, lao động

Phải tạm nghỉ việc gần 2 tháng nay, thu nhập không có nên cuộc sống CNLĐ rất vất vả. Không chỉ không có tiền gửi về quê mà tiền sinh hoạt hàng ngày cho bản thân cũng gặp nhiều khó khăn. May nhờ các cấp Công đoàn quan tâm, hỗ trợ. Tuy phần quà không lớn nhưng cũng đỡ phần nào gánh lo của chúng tôi. Đặc biệt hơn, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi được động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua mùa dịch”.

Anh Võ Văn Minh - công nhân ở trọ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa

Được nhận quà từ chương trình “Phần quà kết nối yêu thương”, anh Võ Văn Minh - CN ở trọ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tâm sự: “Phải tạm nghỉ việc gần 2 tháng nay, thu nhập không có nên cuộc sống CNLĐ rất vất vả. Không chỉ không có tiền gửi về quê mà tiền sinh hoạt hàng ngày cho bản thân cũng gặp nhiều khó khăn. May nhờ các cấp CĐ quan tâm, hỗ trợ. Tuy phần quà không lớn nhưng cũng đỡ phần nào gánh lo của chúng tôi. Đặc biệt hơn, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi được động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua mùa dịch. Tôi sẽ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, “ai ở đâu ở yên đó” để địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh và CNLĐ được đi làm trở lại”.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, các cấp CĐ nắm bắt nhanh tình hình thực tế của CNLĐ và kịp thời giúp đỡ những trường hợp cấp bách. Qua đó, nhiều CNLĐ được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, sữa cho trẻ em,...

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn thực hiện chương trình Tiếp sức công nhân “3 tại chỗ”. Đây là chương trình hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các DN có đóng kinh phí CĐ, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất được hỗ trợ 1 lần với mức hỗ trợ 1 triệu đồng. Thông qua hoạt động này, CĐ kịp thời động viên đoàn viên, người lao động an tâm công tác, lao động, sản xuất tại DN thực hiện “3 tại chỗ”.

Thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa ấy, CNLĐ, người nghèo được kịp thời chăm lo, hỗ trợ. Họ được san sẻ phần nào nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” và được động viên tinh thần, từ đó an tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, “ai ở đâu ở yên đó”./.

Kim Ngọc - Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết