Tiếng Việt | English

03/02/2020 - 14:50

Chính khách Pháp đề cao thành tựu tăng trưởng và hội nhập của Việt Nam

Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt, bày tỏ sự khâm phục trước những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam nhờ chính sách Đổi mới từ năm 1986.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020), ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt, khẳng định rằng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã giành được hai chiến thắng lịch sử tiêu biểu, có giá trị to lớn trong thế kỷ XX, đồng thời tiếp tục đạt được những thành tựu về tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo ông Archambault, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã thống nhất hoạt động của các nhóm cộng sản thời điểm đó. Đây là sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm ảnh hưởng sâu rộng và được tất cả mọi người công nhận.

Ông Archambault nhấn mạnh: "Chỉ duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có thể làm được điều đó."

Ông Archambault nhận xét, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng chống chủ nghĩa thực dân và phong trào cộng sản là con đường đấu tranh duy nhất; các quốc gia bị áp bức trước tiên phải dựa vào sức mạnh của chính họ.

Cùng với những nhà cách mạng Pháp Marcel Cachin và Paul Vaillant-Couturier, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng Quốc tế thứ ba và những luận điểm của lãnh tụ vô sản V.I Lenin đáp ứng những khát vọng sâu sắc nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp

Ông Archambault nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị, lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam để hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử: giành lại tự do và độc lập dân tộc. Chiến thắng này là niềm vinh dự và tự hào chung của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam.

Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã giành được hai chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa to lớn trong thế kỷ XX. Chiến tranh Đông Dương chống thực dân Pháp, kết thúc ngày 07/5/1954 tại Điện Biên Phủ, là chiến thắng quân sự duy nhất của một dân tộc thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân. Sau đó, nhân dân Việt Nam phải mất thêm 21 năm nữa tiếp tục đấu tranh và đã chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt bày tỏ sự khâm phục trước những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam nhờ chính sách Đổi mới từ năm 1986. Ông nhắc lại rằng năm 1975, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bị tàn phá hoàn toàn sau hàng chục năm chiến tranh, hàng triệu người chết, hàng triệu nạn nhân của chất độc da cam-dioxin. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc tại biên giới phía Tây vào năm 1976 và biên giới phía Bắc vào năm 1979. Lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây kéo dài đến năm 1994.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các quốc gia khó khăn nhất vào năm 2010, để gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình (2.100 USD/người/năm). Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng từ 6%-7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Liên quan đến sự hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế, ông Archambault đánh giá thành công này là kết quả của ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với khoảng 30 quốc gia, trong đó có cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đặc biệt, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73, Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2021 với số phiếu bầu kỷ lục là 192 trên tổng số 193.

Theo ông Archambault, đây là bằng chứng về vị trí mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được củng cố bởi những thành tựu của 30 năm cải cách và sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chính khách Pháp lưu ý trong bối cảnh thách thức mới về hòa bình, an ninh và phát triển hiện nay, việc tăng cường ủng hộ chủ nghĩa đa phương, luật pháp và hợp tác quốc tế là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Sự hiện diện của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an có lợi cho chính Việt Nam vì những hành động và đóng góp của Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy một môi trường quốc tế về hòa bình, ổn định và hợp tác, một sự đảm bảo cho sự tăng trưởng chung và phát triển bền vững.

Ông Archambault cũng nêu những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải giải quyết. Đó là sản xuất hướng tới sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển không đồng đều giữa các thành phố và nông thôn trong các vấn đề nước sạch, an ninh lương thực, thuốc trừ sâu và chất thải nhựa, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao gây ra nhiễm mặn vùng nước sông Mekong, nạn tham nhũng và bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo..

Đề cập Hội Hữu nghị Pháp-Việt, ông Archambault cho biết hội ra đời vào năm 1961 và đã trở thành cầu nối giữa nhân dân hai nước. Hội đã hỗ trợ người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và thời kỳ cấm vận. Hội đã thực hiện nhiều dự án đoàn kết với các nạn nhân chất độc da cam-dioxin, tuyên truyền về đất nước và con người để giúp người dân Pháp hiểu biết rõ hơn về Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước. Thời gian tới, hoạt động của Hội sẽ rất sôi nổi, nhất là trong cuộc đấu tranh bền bỉ vì nạn nhân chất độc da cam-dioxin./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết