Hôm 28/6, các nghị sĩ Công đảng đối lập trung tả tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ lĩnh đảng này, ông Jeremy Corbyn. Kết quả 172 phiếu thuận và 40 phiếu chống cho thấy, ông Corbyn gần như đã không còn tiếng nói trọng lượng trong Công đảng sau cuộc vận động thất bại để Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), song ông vẫn tuyên bố sẽ không từ chức.
Cả hai đảng chính trị lớn ở Anh đã rơi vào tình trạng hoàn toàn hỗn loạn vì Brexit. (Ảnh: Getty)
Thực tế là kết quả này cũng không kích hoạt một cơ chế tự động khiến ông Corbyn phải rút lui nhưng nó đã phơi bày tình trạng rối ren trong nội bộ Công đảng khi phe chống Corbyn muốn lật đổ ông, còn Corbyn đang nỗ lực chống cự trong tuyệt vọng.
Trong khi đó, sáng 30/6, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, thủ lĩnh phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ tuyên bố không ứng cử thay thế Thủ tướng sắp rời nhiệm sở David Cameron. Nên nhớ, đảng Bảo thủ hiện nắm đa số ghế trong Quốc hội và điều hành Chính phủ Anh, do đó, lãnh đạo của đảng này cũng nắm cương vị Thủ tướng.
Lẽ dĩ nhiên, đảng Bảo thủ cần một ai đó để thay thế đương kim Thủ tướng David Cameron, người quyết định từ chức sau khi kịch bản Brexit trở thành hiện thực. Boris Johnson được coi là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Cameron nhưng đã rút lui, khiến không ai có thể chắc chắn về người sẽ đứng lên “chèo lái” nước Anh vượt qua khó khăn hiện nay trong tương lai gần.
Tại sao cả hai đảng lại cùng rơi vào rối loạn như vậy? Câu trả lời thích hợp nhất trong tình huống này có thể là do các lá phiếu ủng họ Brexit đã tạo ra một cơn địa chấn, làm rạn nứt tư tưởng của cả Công đảng và đảng Bảo thủ.
Đảng Bảo thủ mắc vào chính cái bẫy do họ giăng ra
Mâu thuẫn trong nội bộ đảng Bảo thủ về vấn đề châu Âu đã xuất phát từ năm 1980 chủ yếu nguyên nhân bắt nguồn từ bà Margaret Thatcher, người giữ cương vị Thủ tướng Anh từ năm 1979 – 1990. Những thay đổi dưới thời bà Thatcher được cho là yếu tố quan trọng trong việc tìm hiểu lý do tại sao Brexit lại gây ra mâu thuẫn trong nội bộ đảng này hiện nay.
Trước thời bà Thatcher, đảng Bảo thủ ủng hộ chủ trương tích cực xích lại gần với phần còn lại của châu Âu khi cho rằng, một châu Âu đoàn kết giúp tăng cường ảnh hưởng chính trị của Anh đối với các quốc gia khác trong khu vực.
Khi đó, hầu hết sự hoài nghi đến từ Công đảng cánh tả khi cho rằng, nỗ lực để hướng tới nhất thể hóa châu Âu sẽ làm suy yếu hệ thống phúc lợi xã hội trong nước.
Là một chính trị gia của đảng Bảo thủ, ngày 20/09/1988, Thủ tướng Anh khi đó, bà Margaret Thatcher, trong một bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Châu Âu tại Bruges, Bỉ, đã bác bỏ ý tưởng về một “siêu cường Châu Âu có thể áp đặt các quyền hạn của mình từ trụ sở chính tại Brussels”.
Chính sự chỉ trích gay gắt của bà về một châu Âu thống nhất đã chọc giận các thành viên khác trong đảng Bảo thủ. Tuyên bố này của bà Thatcher được cho là một phần nguyên nhân gây ra cuộc nổi dậy khiến bà phải rút lui vào hậu trường năm 1990.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ tư tưởng của bà Thatcher vẫn còn tác động rất lâu dài. Sau thời kỳ Thatcher, phe hoài nghi về châu Âu (Eurosceptic) trong đảng Bảo thủ phát triển đáng kể.
Tăng cường hội nhập với châu Âu cũng đồng nghĩa với việc số lượng lao động nhập cư vào Anh tăng cao, điều này gây ra những phản ứng dữ dội từ người dân bản địa, đặc biệt là phe hoài nghi về châu Âu (Eurosceptic).
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson. (Ảnh: The Telegraph)
Thế nhưng ngay cả khi kịch bản Brexit đã được hiện thực hóa sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 thì cũng không thể nói Eurosceptic đã chiến thắng. Thực tế Brexit lại tạo ra cho phe Eurosceptic những vấn đề mới mà sự rút lui của ông Boris Johnson là ví dụ cụ thể nhất.
Theo nhận định của giới quan sát, Johnson đã nhận một “cú đâm sau lưng” từ chính nhân vật số hai trong cuộc vận động Brexit, Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove.
Email cá nhân của vợ ông Gove bị truyền thông Anh phanh phui cho thấy, bà Gove đã khuyên chồng không hỗ trợ ông Johnson nếu không nhận được hứa hẹn cụ thể. Ngày 30/6, Michael Gove công bố ý định chạy đua cho chiếc ghế Thủ tướng và “quay ngoắt lại” với đồng minh Johnson.
Theo tờ The Guardian, đây chính là lý do tại sao ông Boris Johnson quyết định không tiếp tục tranh cử làm Thủ tướng Anh. “Johnson hiểu rằng ông ấy không có đủ sự hỗ trợ cần thiết sau khi các nghị sỹ chủ chốt trong đó có Nick Boles, Dominic Raab… những người ủng hộ Brexit chạy sang hàng ngũ của Gove”, tờ báo viết.
Trong cuộc chạy đua này không thể không nhắc tới một ứng cử viên nặng ký khác là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May. Bà May là một trong những nhân vật ủng hộ quan điểm Anh ở lại EU. Tuy nhiên, bà tỏ ra khá cân bằng khi vừa trung thành với ông Cameron vừa nhượng bộ yêu cầu của những người ủng hộ đảng Bảo thủ khi kêu gọi cải cách các điều luật cho phép mọi công dân EU tự do sinh sống ở Anh.
Tuy nhiên, dù người chiến thắng có là ai đi chăng nữa thì chiếc ghế của họ vẫn rất bấp bênh bởi Thủ tướng Anh hiện từ chối kích hoạt các thủ tục để nước Anh rời EU theo quy định tại Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Cụ thể, tiến trình pháp lý để Anh chính thức rời EU chỉ có thể được khởi động sau khi Anh thông báo quyết định này cho Hội đồng châu Âu.
Điều này đồng nghĩa với việc ai kế nhiệm ông Cameron sẽ là người thực hiện các thủ tục Brexit và đương nhiên cũng là người “đứng mũi chịu sào” cho các hậu quả sau đó.
Giới phân tích đều có chung nhận định rằng, nước Anh sẽ rơi vào suy thoái sau Brexit. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiếp theo giữ cương vị Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng.
Vị trí Thủ tướng Anh sau sự ra đi của ông David Cameron được cho là “lành ít dữ nhiều” không chỉ với ông Gove hay bà May mà dường như là toàn bộ đảng Bảo Thủ.
Công Đảng rơi vào “khủng hoảng bản sắc”
Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn. (Ảnh: Getty)
Khi đảng Bảo thủ gặp khó khăn, đương nhiên cơ hội sẽ dành cho đối thủ chính của họ là Công đảng đối lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Công đảng cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng chẳng kém gì đảng Bảo thủ.
Nhìn lại quá khứ, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn chính là người phản đối Hiệp ước Maastricht (EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/11/1993 dựa trên EEC). Vào thời điểm đó, Corbyn đã cảnh báo rằng, việc hình thành một cơ chế chung ở châu Âu sẽ là mối nguy với không chỉ Vương quốc Anh mà với bất kỳ nước nào ở “Lục địa già”.
Đại diện cho phe phản đối Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6/2016 nhưng có những bằng chứng cho thấy, Corbyn không thay đổi quan điểm. Trên thực tế, ông Corbyn không hề có các cuộc vận động để kêu gọi cử tri Anh ủng hộ phương án tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Jeremy Corbyn cũng từ chối xuất hiện cùng đương kim Thủ tướng David Camron để gửi đi thông điệp chung phản đối Brexit. Thậm chí, BBC còn tiết lộ các email cho thấy, văn phòng của Corbyn đã cố ý phá hoại chiến dịch của Công đảng ủng hộ giữ Anh ở lại EU.
Giờ đây, khi kết quả ngã ngũ, thất bại của Corbyn khiến những người ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên của EU hết sức tức giận và kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nghị sĩ Công đảng đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, ông Corbyn khăng khăng tuyên bố không từ chức thậm chí cáo buộc cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là “vi hiến”, điều này chẳng khác nào chọc tức phe đa số trong Công đảng, khiến nội bộ đảng này ngày thêm “rối ren”.
Giới quan sát cho rằng, nước Anh đang gặp phải vấn đề lớn khi cả Công đảng và đảng Bảo thủ đang bị cuốn vào những trận đánh ngay trong nội bộ từng đảng đúng vào thời điểm đất nước cần có sự lãnh đạo thống nhất và mạnh mẽ. Nếu ai đó còn hoài nghi về những hậu quả của Brexit đối với Anh thì chỉ cần nhìn vào tình hình chính trường nước này hiện nay./.
Hùng Cường/VOV.VN