Tiếng Việt | English

27/10/2019 - 10:44

Chợ công nhân - tiện lợi nhưng còn nhiều nỗi lo

Hiện nay, không chỉ ở xung quanh các khu, cụm công nghiệp lớn mà nơi nào có công ty (Cty), xí nghiệp, có tập trung đông công nhân, lao động (CNLĐ) là gần đó xuất hiện chợ công nhân (CN). Chợ CN chỉ bán vào giờ tan ca, khoảng từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ. Các chợ này đa phần phục vụ CNLĐ, sau giờ tan ca tranh thủ ghé vào mua thực phẩm cho bữa cơm chiều muộn. Thực phẩm ở chợ CN có giá “mềm” nhưng còn nhiều nỗi lo về chất lượng. Cần có thêm nhiều cửa hàng an toàn thực phẩm dành cho CN.

Chợ công nhân

Theo ghi nhận chung, những chợ vỉa hè, tự phát dành cho CNLĐ có quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng CNLĐ đang làm việc ở khu vực đó. Gọi là “chợ”, nhưng thực chất chỉ là những xe đẩy hoặc những gánh hàng rong với đủ loại thực phẩm từ rau, cải, thịt, cá,... được nhóm họp trên vỉa hè hay khu đất trống trước cửa các Cty để phục vụ nhu cầu mua thức ăn của CNLĐ vào giờ tan ca, có nơi họp chợ ngay dưới lòng đường. Người đi chợ chủ yếu là CNLĐ vừa xong một ngày làm việc, ghé vào mua vội ít thực phẩm về nấu ăn.

Công nhân, lao động tranh thủ ghé mua thực phẩm cho bữa cơm tối ở các chợ vỉa hè

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Gái - CN Cty TNHH Giày ChingLuh, Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, cho biết: “Với mức thu nhập còn thấp như hiện nay, trong khi đó, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng của chúng tôi chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu như gạo, thực phẩm, tiền thuê nhà ở, tiền xăng đi lại,... Ngày nào chúng tôi cũng đi chợ, nhưng chủ yếu là tạt vào chợ lòng, lề đường dành cho CNLĐ phía trước cổng Cty mua vội về nấu ăn rồi còn nghỉ ngơi để mai đi làm tiếp. Món mà đa số CNLĐ thường mua nhất là rau”.

Tầm 17 giờ, trước cổng Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An), CN từ các Cty tan ca, một đoạn Quốc lộ 62 phía trước Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn có đông người và phương tiện giao thông đổ ra. Những “tiểu thương” từ trên vỉa hè tranh thủ lấn dần xuống lòng đường để bán. Chỉ chừng 20 phút sau giờ CNLĐ tan ca, con đường lớn trước cụm công nghiệp đã biến thành “chợ” với hàng chục sạp hàng nối nhau. Người ta bày bán đủ các loại thực phẩm từ thịt, cá, tôm, cua, rau, củ, quả,... và cả quần áo, giày dép, túi xách,... 

Chị Lê Thúy An - CN Cty Tanimex-LA, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, cho biết: “Những chợ dành cho CNLĐ có đầy đủ các loại thực phẩm, giá cả phù hợp với mức thu nhập của CN. Hàng ngày, sau giờ tan ca, chúng tôi thường ghé đây mua đồ về nấu ăn. Ngoài thực phẩm ra, chợ còn bán nhiều mặt hàng khác như giày dép, quần áo,... Mỗi khi lãnh lương, các bạn CN nữ nếu có nhu cầu mua sắm, ghé vào các chợ này đều có đủ các mặt hàng theo nhu cầu để lựa chọn”. 

Chị Phương - bán rau, củ tại đây, cho biết: “Quê tôi ở miền Trung, ngày trước cũng làm CN trong cụm công nghiệp này. Nhưng từ khi tôi sinh con nhỏ, bận bịu chăm con, không đi làm được nữa nên chuyển sang bán chút rau, quả kiếm thêm chút thu nhập. Giờ chỉ mình chồng tôi làm CN, còn tôi gửi con rồi tranh thủ buôn bán. Mỗi ngày tôi chỉ bán 2-3 tiếng đồng hồ, thu nhập có khi hơi khá, lại chủ động được thời gian đưa rước con”. 

Chị Lâm Thị Thùy Dương - tiểu thương buôn bán tại chợ Thuận Đạo, huyện Bến Lức, thông tin: “Trước đây, chợ này không nhộn nhịp lắm. Từ khi các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Thuận Đạo đi vào hoạt động, chợ CN cũng hình thành tự phát dọc trước cổng khu công nghiệp, số lượng CN tăng cao, quy mô chợ cũng lớn dần lên. Ở đây, chợ họp từ sáng sớm đến khuya, nhưng thời điểm đông, tấp nập nhất chỉ sau một ngày làm việc và tăng ca, khoảng từ 17-21 giờ, người đi chợ chủ yếu là CNLĐ, hàng hóa được bày bán thì có đủ “thượng vàng hạ cám”, nhưng giá cả rất bình dân”.

Tiện lợi nhưng lo về chất lượng

Những chợ CN này tuy cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm thực phẩm của CNLĐ. Bởi sau một ngày làm việc, các CN bước chân ra khỏi Cty thì những chợ truyền thống có thể đã tan, siêu thị thì ở xa nên hầu hết CNLĐ chọn mua thực phẩm ngay tại CCN ở các vỉa hè, trước cổng các khu, cụm công nghiệp.

Công nhân, lao động tranh thủ ghé mua thực phẩm cho bữa cơm tối ở các chợ vỉa hè

Chị Trần Thanh Hương - CN Cty Kannan, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, cho biết: “Các chợ tự phát bán cho CN ở lòng, lề đường, nhưng cũng có đủ các nhu yếu phẩm, gạo, rau, củ, thịt, cá dành cho bữa ăn gia đình, có cả áo quần, giày dép. Giá cả nhiều mặt hàng bán tại chợ thì bình dân, nên CN ghé mua”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và giá cả hàng hóa “mềm”, phù hợp với mức thu nhập còn thấp, chợ CN cũng có những điều chưa ổn. Hầu hết các chợ CN đều là chợ tự phát, bán trên lòng, lề đường, nhiều người bày bán tràn xuống lòng đường nên vào giờ tan ca, các tuyến đường có chợ CN đều bị tắc đường, kẹt xe, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phương Anh - CN Cty TNHH Túi xách Simone, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Chợ CN tuy tiện lợi, giá cả phù hợp túi tiền nhưng nỗi lo lớn nhất của tôi vẫn là chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm. Tôi nghe kể nhiều người bán hàng ở đây đến các chợ đầu mối, lò mổ để lấy hàng từ sáng sớm, mang về để đến chiều tối mới bán cho CNLĐ, nên việc họ bảo quản thực phẩm như thế nào, mình làm sao biết được, CNLĐ nghèo cứ “mắt nhắm mắt mở” mua thực phẩm về ăn, và vừa ăn, vừa lo thôi!”.

Theo quan sát ở hầu hết các chợ CN, do bán trên vỉa hè, không thể trang bị tủ cấp đông nên việc bảo quản các mặt hàng thịt, cá, người bán chỉ dùng cách ướp đá lạnh, khó bảo đảm được chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Như vậy, sức khỏe CN liệu có bền lâu khi thường xuyên ăn uống thực phẩm thiếu kiểm soát về chất lượng? Dù biết vậy nhưng CNLĐ cũng phải chọn.

Cần nhiều hơn những điểm bán thực phẩm an toàn

Hiện nay, việc lựa chọn đúng những thực phẩm an toàn cho gia đình là điều khiến nhiều bà nội trợ “đau đầu” và các các cơ quan quản lý trăn trở khi tìm các giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn đang trôi nổi trên thị trường.

Người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ đang gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực phẩm an toàn với thực phẩm chưa an toàn. Rau là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, nhưng theo khảo sát, trên địa bàn TP.Tân An hiện chỉ có 2 điểm bán rau an toàn, còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Các điểm bán rau an toàn còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng

Trao đổi cùng chúng tôi, cô Đỗ Thị Mai, ngụ đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An, chia sẻ: “Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, tôi luôn phải chọn những địa chỉ uy tín để mua rau an toàn. Tôi thường xuyên vào siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi để mua rau xanh về sử dụng, vì cho rằng ở những nơi này, hàng hóa đã qua kiểm định và có nguồn gốc rõ ràng”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước - Kiều Anh Dũng: Rau an toàn được trồng, chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt và khó hơn rau bình thường rất nhiều. Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng rất lớn, nhưng các điểm bán lại chưa đáp ứng khiến người tiêu dùng ít có cơ hội sử dụng. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất lại đang gặp khó khăn về đầu ra, chủ yếu là liên kết với các siêu thị hay một số đơn vị chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn. Để giúp nông dân, các hợp tác xã an tâm sản xuất rau an toàn, các ngành chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch.

Chị Nguyễn Trang Dương Thanh Phương, ngụ phường 5, TP.Tân An, chia sẻ: Trong các bữa ăn gia đình không thể thiếu món rau xanh. Tuy nhiên, để mua và sử dụng được những sản phẩm thật sự an toàn hiện nay không phải dễ. Ở hầu hết các chợ truyền thống hay cửa hàng nhỏ, lẻ khu dân cư đều bán rất nhiều loại rau xanh, tuy nhiên đa phần là không rõ nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm, trong khi các điểm bán rau an toàn còn quá ít.

Trước nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng của người dân như hiện nay, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng này, rất cần các điểm phân phối rau an toàn với lượng hàng hóa dồi dào cùng nhiều chủng loại và các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói, dán tem mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để người tiêu dùng an tâm chọn lựa./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết