Điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chủ trì
Hội nghị tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; từ đó đề ra các giải pháp để kịp thời tháo gỡ.
Sau sáp nhập, nhiều trường học trên cả nước có nhiều điểm lẻ, quy mô số lớp vượt quá quy định gây khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm,..; một số trường có tiêu chuẩn phòng học, phòng chức năng ở chưa đạt đúng quy định;…
Tại Long An, quy mô trường lớp cơ bản đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng việc giảng dạy hiện tại, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần phải bổ sung nhiều phòng học, phòng chức năng.
Về đội ngũ giáo viên vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ. Theo đó, cả nước hiện thiếu khoảng 94.000 giáo viên, thừa 10.000 giáo viên; trong đó đa số là thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ cấp tiểu học và giáo viên môn nghệ thuật cấp THPT.
Tại Long An, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo từng môn học, cấp học cơ bản ổn định theo đúng trình độ chuẩn được đào tạo và vị trí việc làm. Thực hiện đúng quy định về bố trí giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo. Hiện nay, Long An thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên do quy định mới của Luật Giáo dục 2019, chế độ tiền lương thấp không thu hút được sinh viên giỏi vào công tác ở ngành giáo dục. Ngoài ra, Long An cũng gặp khó khăn trong việc xác định số lượng giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật dạy lớp 10 cho năm học 2022-2023 để bố trí cho các trường THPT khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Phan Thị Dạ Thảo phát biểu tại hội nghị
Thực hiện lựa chọn sách giáo khoa, các địa phương không có giáo viên các môn nghệ thuật cấp THPT nên gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu các bộ sách để đưa ra lựa chọn cho đơn vị. Riêng môn Tiếng Anh có quá nhiều đầu sách gây khó khăn trong giới thiệu, nghiên cứu và lựa chọn. Về biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương, các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn do đội ngũ tác giả chưa có kinh nghiệm, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,…
Trước những khó khăn, các địa phương đề ra một số giải pháp, kiến nghị để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những ý kiến của các địa phương, đặc biệt là những khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ trưởng khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiến hành đổi mới sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi cách tiếp cận, định hướng, triết lý trong công tác giáo dục. Những đổi mới đang thực hiện chưa có trong tiền lệ và diễn ra với tốc độ nhanh với phạm vi cả nước từ lớp 1 đến lớp 12.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm rất lớn của toàn ngành; sự quan tâm, chỉ đạo, theo sát của lãnh đạo các địa phương góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo ngành giáo dục tham mưu tổng thể hơn, nêu rõ những phần việc phải làm không chỉ trong năm 2022 mà cho năm 2023, 2024, góp phần chủ động giải quyết khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị thực hiện việc chọn sách giáo khoa phải là tiếng nói, sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, giúp nêu bật lên ý nghĩa của việc đưa ra nhiều bộ sách để lựa chọn. Theo đó, ngoài bộ sách lựa chọn, giáo viên có thể tham khảo thêm các bộ sách còn lại để tham khảo thêm;…/.
An Nhiên