Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Mặc dù nhập siêu quay trở lại trong tháng Bảy với kim ngạch 300 triệu USD, nhưng tính chung 7 tháng Việt Nam vẫn xuất siêu tới 3,06 tỷ USD góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp và đơn vị chức năng cần chủ động về giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi và tạo đà tăng trưởng cho các tháng cuối năm.
Duy trì tốc độ tăng trưởng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 19,5 tỷ USD với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018 và bằng 56,5% kế hoạch năm.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017 và cao hơn tốc độ tăng trưởng 14,9% của khối doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô).
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý trong tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu của 2 nhóm hàng chính là nhóm công nghiệp chế biến và nhóm nông, thủy sản giảm lần lượt là 2,7% và 6,2% so với tháng 6, đạt 15,8 tỷ USD và 2,16 tỷ USD.
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng khá mạnh ở mức 15,4% so với tháng 6 và đạt 2,16 tỷ USD.
Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo đó, nhóm hàng này chiếm tới 81,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (7 tháng năm 2017 chiếm 80,1%), đạt kim ngạch 109,4 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng chủ lực của nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như điện thoại các loại và linh kiện hàng dệt may, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 24,2 tỷ USD, tăng 12,9% và Trung Quốc đứng thứ ba với 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số thị trường xuất khẩu lớn khác là ASEAN đạt 14,2 tỷ USD; Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7/2018 đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 5,9%, doanh nghiệp trong nước tăng 1,3% so với tháng 6/2018.
Lũy kế 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 130,63 tỷ USD; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; nhập khẩu của khối FDI đạt 76,47 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng kim loại thường, rau quả, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sắt thép, hóa chất, điện tử, máy tính và linh kiện.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định chung về hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất nhập khẩu hiện vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực và chưa ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng thương mại toàn cầu.
Mặc dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức qua việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, căng thăng thương mại Mỹ-Trung cũng như quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
Sẵn sàng nhập cuộc
Đánh giá về khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Dương Duy Hưng chia sẻ, bình quân 7 tháng qua, xuất khẩu đạt 19,09 tỷ USD/tháng nên việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,58 tỷ USD/tháng cho 5 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phấn đấu, sát cánh cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp để xuất khẩu cả năm 2018 đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, tăng trên 10%, đạt 233,6 tỷ USD.
Theo ông Dương Duy Hưng, trọng tâm trước mắt là tập trung hoàn thành việc phê chuẩn và đưa hai Hiệp định quan trọng là CPTPP và EVFTA đi vào thực thi vào năm 2019, tạo động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Cùng đó, thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới…
Ông Dương Duy Hưng cũng cho biết, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để có những phản ứng chủ động, kịp thời.
Mặt khác, chú trọng kiểm soát nhập khẩu và điều hành tỷ giá để đảm bảo tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động phức tạp với sự tăng giá liên tục của đồng USD và sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Cũng theo ông Dương Duy Hưng, hiện tại Bộ Công Thương đã sẵn sàng các phương án ứng phó hiệu quả đối với các cú sốc lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, tạo dư địa và giảm áp lực cho điều hành tỷ giá, thị trường tiền tệ, để ổn định sản xuất những năm tiếp theo.
May hàng xuất khẩu tại Công ty may 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ông Dương Duy Hưng cũng nhấn mạnh, xuất khẩu hàng hóa thường tăng tốc trong giai đoạn cuối năm sau khi nhiều ngành hàng sẽ bước vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm. Chẳng hạn như theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất.
Đặc biệt, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Không những thế, tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA; triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam luôn hiệu quả và bền vững./.
Theo TTXVN