Tập trung dập dịch
Đầu tháng 4, bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò được phát hiện lần đầu tiên tại 8 hộ chăn nuôi ở ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ; với 16 con trâu mắc bệnh và đã tiêu hủy theo quy định. Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella gây ra. Vi khuẩn này sống khá lâu và sinh sản trong đất ẩm thiếu ánh sáng, có nhiều muối nitrat và chất hữu cơ. Trong chuồng nuôi súc vật và trên đồng cỏ, vi khuẩn sống hàng tháng, có khi hàng năm.
Bệnh tụ huyết trùng thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm. Vào mùa mưa, vi khuẩn sẵn có trong đất được nước đưa lên mặt đất, dính vào rơm, cỏ và nước uống. Trâu, bò ăn, uống phải vi khuẩn sẽ nhiễm bệnh.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò để phát hiện sớm dịch bệnh
Sau khi vào đường tiêu hóa, vi khuẩn qua niêm mạc bị tổn thương do ký sinh trùng, rơm, cỏ cứng và dị vật, chúng xâm nhập vào máu, đến hệ thống lympho ruột, hạch sau hầu làm hạch này sưng rất to. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập vào các hạch lympho khác như hạch trước vai, hạch trước đùi làm cho các hạch này cũng sưng to và bị thủy thủng. Vì vậy, trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng thường có biểu hiện đặc trưng là sưng hạch hầu.
Trong điều kiện bình thường, ở đa số trâu, bò khỏe, vi khuẩn tụ huyết trùng thường sống trên niêm mạc đường hô hấp. Có đến 80% số trâu, bò khỏe mang vi khuẩn nhưng chúng không gây bệnh, giữa vi khuẩn và súc vật có sự cân bằng sinh học. Khi gặp các yếu tố ngoại cảnh bất lợi như thời tiết thay đổi đột ngột, thiếu thức ăn, làm việc nặng nhọc, thay đổi điều kiện sống,... làm sức đề kháng của con vật giảm sút, thế cân bằng sinh học bị phá vỡ, vi khuẩn tăng cường độc lực, tăng nhanh số lượng và xâm nhập vào máu để gây bệnh.
Bệnh lây lan trực tiếp từ con ốm sang con khỏe thông qua tiếp xúc, chung nguồn thức ăn, nước uống, nhốt cùng chuồng, chăn cùng bãi chăn thả hoặc dùng chung các dụng cụ chăn nuôi. Bệnh có thể lan xa do việc mổ thịt súc vật ốm, phân tán thịt, da. Chó, mèo, chuột, côn trùng hút máu là các môi giới trung gian truyền bệnh đi xa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ - Nguyễn Bạch Đằng cho biết, sau khi được người dân thông báo về tình hình trâu chết không rõ nguyên nhân, xã đã báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Sau đó, cán bộ Thú y huyện đã vào, tiến hành mổ, khám lâm sàng và chẩn đoán trâu bị tụ huyết trùng. Nhận định đây là bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan cao nên xã phối hợp cán bộ Thú y huyện tiến hành tiêu hủy và rải vôi bột khử trùng, vệ sinh, tiêu độc khu vực chăn nuôi của trâu bị bệnh.
Người chăn nuôi cần chủ động
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có trên 120.000 con trâu, bò; sản lượng thịt trên 5.000 tấn/năm. Có 9 hợp tác xã chăn nuôi bò thịt, bò sữa, với tổng đàn khoảng 1.100 con. Ngoài ra, còn có 1 cơ sở giết mổ bò được chứng nhận là cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn. Nhìn chung, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ, lẻ. Do đó, khi có dịch bệnh phát sinh rất khó để hạn chế sự lây lan.
Để phòng bệnh, người dân cần chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ. Ở các bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.
Nông dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh thông tin: “Hiện nay, giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò vẫn là tiêm phòng vắc-xin. Thông thường, 6 tháng phải tiêm nhắc lại 1 lần.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cho trâu, bò: Không chăn thả trâu, bò trên cùng cánh đồng trong thời điểm có dịch; hạn chế người và động vật vào khu vực nuôi; thường xuyên rải vôi và phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng khi không có dịch bệnh ít nhất 1 lần/tuần; trong vùng có dịch bệnh xảy ra thì ít nhất 1 lần/ngày; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò; kiểm tra chuồng trại, sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình chăn nuôi để bảo đảm chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng, không bị dột, ẩm thấp;...”./.
Bùi Tùng