Tiếng Việt | English

21/08/2023 - 10:45

Chủ động phòng bệnh trên cây trồng

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến bất thường, đây cũng là thời điểm dễ phát sinh một số loại sâu, bệnh gây hại trên cây trồng. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, bảo vệ thành quả sản xuất.

Trồng rau trong nhà màng giúp giảm đến mức thấp nhất tác động của mưa, gió và hạn chế sâu, bệnh gây hại

Phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên rau màu

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ trung bình khá cao và thường xuất hiện những cơn mưa lớn kèm giông, lốc. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng rau màu. Theo nhiều nông dân, trồng rau màu trong điều kiện thời tiết nhiều mưa sẽ gặp bất lợi như rau bị ngập úng, thối rễ, thối lá,...

Ông Trần Văn Tuấn (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tôi có 0,5ha đất trồng rau màu, chủ yếu là các loại rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, hành lá,... Những loại rau này thường thích hợp với thời tiết mát mẻ, ít mưa. Gần đây, thời tiết diễn biến khá phức tạp nên sâu, bệnh gây hại nhiều hơn”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Sở chủ động phối hợp một địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới cho hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông dân sản xuất rau. Hệ thống nhà màng, nhà lưới sẽ góp phần giảm tối đa ảnh hưởng của mưa, gió và hạn chế sâu, bệnh gây hại cho rau.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng chia sẻ: Hệ thống nhà màng, nhà lưới giúp bảo vệ cây rau khỏi tác động của mưa và sinh vật gây hại. Thông thường, loại lưới được sử dụng là lưới mùng màu trắng để hấp thu thêm ánh sáng.

Những năm gần đây, HTX khuyến khích các thành viên sử dụng phân hữu cơ để tăng độ tơi xốp cho đất, hạn chế xói mòn và rửa trôi đất, tăng năng suất và chất lượng rau. Các thành viên còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học để kháng nhóm vi sinh vật có hại trong đất, giúp ngừa được các bệnh thối rễ hoặc thối gốc rau màu, đặc biệt là đối với dưa leo, bầu, bí và rau cải.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: Để trồng rau màu hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất lợi và sâu, bệnh nhiều như hiện nay, nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm tạo điều kiện cho rau màu phát triển tốt và có sức chống chịu cao.

Song song đó, nông dân cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng rau màu đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế mầm bệnh phát sinh, phát triển. Đặc biệt, nông dân cần theo dõi, kiểm soát các loại dịch hại trên rau màu để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Các loại dịch hại trên rau màu như sâu xanh da láng trên hành lá; bọ trĩ, nhện đỏ trên bầu, bí; sâu tơ trên các loại cải,... rất khó phòng trừ.

Phòng bệnh đốm nâu trên cây thanh long

Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hướng dẫn cách nhận biết các loại sinh vật gây hại trên cây thanh long

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, trong đó, chủ yếu là các loại cây như thanh long, chanh, mít, sầu riêng,... Từ năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản xuất thanh long gặp nhiều khó khăn, trên 3.720ha thanh long bị phá bỏ. Hiện toàn tỉnh có trên 8.800ha thanh long,chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An,...

“Mặc dù sản xuất thanh long còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn xác định thanh long là cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trọng phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, các ngành chuyên môn, nông dân cần tích cực phòng trừ các loại sâu, bệnh trên cây thanh long, trong đó, đặc biệt quan tâm đến bệnh đốm nâu” - ông Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh.

Bệnh đốm nâu (hay còn gọi nấm tắc kè) rất nguy hiểm khiến thanh long bị giảm năng suất đáng kể, thậm chí bị chết. Bệnh thường tấn công vào các bộ phận còn non của cây, sau đó, có thể lan sang các bộ phận khác. Trên cành non, vết bệnh ban đầu là những hình tròn nhỏ li ti, bị lõm vào, sau vài ba ngày, các vết bệnh chuyển thành màu trắng, tiếp theo thành màu vàng chanh, ở giữa có chấm nâu, rồi toàn bộ vết bệnh biến thành màu nâu tròn hơi nổi lên. Khi bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau gây thối những mảng lớn trên cành thanh long. Trên trái non, bệnh gây hại tương tự, làm thối trái, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng trái. Nguy hại nhất là làm trái mất thẩm mỹ, rớt giá và không thể xuất khẩu.

Nhằm giúp nông dân chủ động phòng trừ sinh vật gây hại trên cây thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức 14 cuộc hội thảo quản lý dịch hại trên cây thanh long tại huyện Châu Thành. Tham gia hội thảo, nông dân được chuyên gia hướng dẫn về cách nhận biết các loại sinh vật gây hại trên thanh long; giải pháp quản lý sâu, bệnh, dịch hại chính trên cây, nhất là cách phòng trừ bệnh đốm nâu.

Bà Đỗ Thị Kim Em (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi trồng trên 600 gốc thanh long. Nhà vườn trồng thanh long sợ nhất là bệnh đốm nâu. Sau khi tham gia hội thảo, tôi nhận biết được các triệu chứng bệnh đốm nâu để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tôi sẽ thường xuyên vệ sinh vườn, không để chồi non trong mùa mưa và khử trùng ngay vết cắt; cắt, tỉa bớt cành già, cành vô hiệu bên trong tán để giảm áp lực bệnh, tạo thông thoáng, duy trì số lượng từ 180-200 cành/trụ, chừa 2-3 lớp cành/trụ,…”.

Tiến sĩ Đặng Thị Kim Uyên - Phó Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả miền Nam) thông tin: “Dịch hại nguy hiểm nhất trên cây thanh long là bệnh đốm nâu. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh này do nấm Neoscytalidium dimidiatum. Để phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long, nhà vườn cần chọn những giống khỏe từ những vườn thanh long không bị nhiễm bệnh, độ tuổi hom cành thích hợp làm giống từ 1-2 năm tuổi; thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để các bộ phận cây, trái bị nhiễm bệnh, trong đó, tuyệt đối không được vứt bỏ trên mặt líp hay quăng xuống mương nước sẽ làm mầm bệnh dễ lây lan.

Ngoài ra, nhà vườn cần quan sát bệnh trên vườn và theo dõi thời tiết; tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để tăng khả năng kiểm soát mầm bệnh trong đất;...”./.

Kim Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết