Tiếng Việt | English

02/06/2023 - 09:29

Chủ động phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, những cơn mưa lớn đã làm thời tiết thay đổi đột ngột, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đang được các ngành chức năng và nông dân quan tâm thực hiện.

Tích cực bảo vệ, chăm sóc cây trồng

Thời điểm này, những cơn mưa đầu mùa làm cho không khí ẩm thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số dịch, bệnh trên cây trồng phát triển. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương và nông dân tích cực bảo vệ, chăm sóc cây trồng bằng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản.

Nông dân trồng lúa cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh gây hại

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, do độ ẩm không khí cao nên nhiều loại sâu hại lúa có điều kiện phát triển. Hiện toàn tỉnh có gần 3.000ha lúa nhiễm sâu, bệnh, sinh vật gây hại như ốc bươu vàng, đạo ôn lá, bọ trĩ, sâu đục thân,... Theo dự báo, những ngày tới, diện tích lúa bị ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột tiếp tục gia tăng do nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đang xuống giống lúa Hè Thu 2023.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Vụ Hè Thu 2023, toàn huyện gieo sạ gần 18.500ha lúa. Hiện lúa ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và sâu cuốn lá nhỏ. Ngành Nông nghiệp huyện tích cực khuyến cáo nông dân phòng trừ, bảo đảm năng suất lúa”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Vụ Hè Thu năm nay, tôi gieo sạ 2,4ha lúa OM5451. Tuần trước, tôi thăm đồng thì phát hiện lúa có sâu cuốn lá, do đó, tôi chủ động phun thuốc để phòng trừ, tránh lây lan ra diện rộng. Hiện vấn đề sâu cuốn lá đã được giải quyết và lúa phát triển tốt”.

Bên cạnh cây lúa, giai đoạn chuyển mùa cũng là thời điểm các loại cây ăn trái dễ bị tấn công bởi sinh vật gây hại như nhện vàng, nhện đỏ và các loại bệnh do vi khuẩn. Đặc biệt, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài, các cây đang cho trái rất dễ bị thối rễ.

Các nhà vườn cần chủ động bón phân cân đối để bảo vệ vườn cây ăn trái trong thời điểm giao mùa

Để chủ động bảo vệ trên 1,2ha sầu riêng của gia đình, ông Trần Hồng Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) đã gia cố đê bao, bố trí máy để bơm thoát nước cho vườn bưởi. Song song đó, trên mỗi mô cây trồng, ông còn cho xẻ những rãnh nhỏ thoát nước để hạn chế trường hợp ngập úng cục bộ dẫn đến cây bị thối rễ trong mùa mưa. Theo ông Nam, mùa mưa thời tiết mát mẻ, cây trồng phát triển tốt nhưng nếu không kiểm soát được lượng nước, cây bị ngập dễ dẫn đến việc rễ thiếu oxy, lá sẽ vàng và rụng dẫn đến tình trạng cây chết dần.

“Đối với vườn cây ăn trái, mùa mưa thường sản xuất khó hơn mùa nắng, ngoài việc giữ nước thì nhà vườn còn phải lưu ý đến việc sử dụng phân bón cân đối. Bởi, nếu sử dụng không hợp lý, phân bón dễ bị rửa trôi, cây không hấp thu được, vừa lãng phí, vừa dễ dẫn đến tình trạng rụng trái” - ông Nam cho biết thêm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, bên cạnh việc quan tâm vấn đề thoát nước, tránh ngập úng trong mùa mưa, chủ vườn cây ăn trái cần quan tâm tỉa cành, tạo tán để cây tiếp nhận ánh sáng đầy đủ; khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát thuận lợi; tránh để cây phát triển um tùm, tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh sẽ dễ bị ngã. Song song đó, cần hạn chế việc đi lại trong vườn vào mùa mưa, lũ vì sẽ làm cho đất bị nén chặt lại dễ làm cho cây bị suy yếu, tạo điều kiện cho nấm, bệnh tấn công; đồng thời, hạn chế làm cỏ trong vườn ở thời điểm này nhằm hạn chế đất bị xói mòn.

Phòng bệnh trên vật nuôi

Năm nào cũng vậy, những cơn mưa đầu mùa luôn làm cho người nuôi tôm lo lắng. Ông Võ Văn Trung (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Thời tiết năm nay khác hẳn những năm trước, nhất là nắng nóng kéo dài đã làm cho việc kiểm soát môi trường ao tôm gặp nhiều khó khăn, không ít diện tích nuôi tôm ở địa phương đã bị thiệt hại. Tôi cũng đang chuẩn bị nuôi vụ mới, tuy nhiên, thời tiết hiện nay khá thất thường, do đó, tôi quyết định đợi thêm một thời gian nữa mới thả giống”.

Người nuôi tôm đang rất thận trọng trước khi thả nuôi vụ mới

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, để giúp nông dân thắng lợi vụ nuôi này, ngành Nông nghiệp huyện đưa ra dự báo giúp chủ động phòng, trị bệnh cho tôm trước thời điểm chuyển mùa. Đồng thời, ngành hướng dẫn nông dân cải tạo ao nuôi và chọn con giống đạt chất lượng; bổ sung dinh dưỡng cho tôm; xử lý ao nuôi sau khi gặp mưa lớn; xử lý khi tôm nuôi gặp rủi ro để bảo đảm môi trường nước;...

Không riêng con tôm mà các loại gia cầm cũng bị ảnh hưởng thời tiết vào đầu mùa mưa. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Thời điểm giao mùa, gà rất dễ mắc bệnh. Hiện đàn gà đẻ trên 2.000 con của gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ. Hàng ngày, tôi cũng bổ sung thêm các loại vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn gà”.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy ra dịch cúm gia cầm

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết, phòng, chống dịch bệnh cho động vật, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, cần thực hiện đồng bộ từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến công tác thú y để bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi; vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi mỗi ngày; kiểm tra đàn vật nuôi thường xuyên nhằm phát hiện sớm bất thường; cách ly kịp thời và liên hệ với thú y địa phương để được hướng dẫn khi vật nuôi có những biểu hiện khác thường, nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 120.000 con heo, gần 117.000 con trâu, bò và gần 8 triệu con gia cầm. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 11 hộ thuộc 9 xã của huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và TP. Tân An với số heo tiêu hủy 320 con, tổng trọng lượng 20.604kg; dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 4 hộ thuộc 3 xã của huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với tổng số trâu, bò bị bệnh là 4 con, tiêu hủy 1 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 99 kg; không xảy ra cúm gia cầm; không ghi nhận trường hợp bệnh dại trên người và động vật.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 120.000 con heo

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền khuyến cáo: “Để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa, nông dân cần theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết, từ đó, có biện pháp phù hợp cho từng đối tượng. Đối với cây trồng, nông dân cần bảo đảm đủ nước tưới; cung cấp nguồn dinh dưỡng hợp lý; chú ý việc cắt, tỉa cành để tránh bị ngã. Đối với vật nuôi, nông dân cần đầu tư hệ thống chăn nuôi khép kín có quạt thông gió để nhiệt độ chuồng trại luôn thoáng mát; thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh chuồng trại; chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương và nông dân đã và đang làm tốt khâu phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh không diễn biến phức tạp, các kế hoạch sản xuất vẫn được triển khai theo đúng tiến độ./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết