Tiếng Việt | English

01/08/2017 - 09:22

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh ổn định, nhưng với sự diễn biến bệnh phức tạp ở các tỉnh phía Bắc, Long An không chủ quan với công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Các huyện có khu, cụm công nghiệp - nơi tập trung đông dân cư, có bệnh SXH lưu hành nhiều, quanh năm như: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An thì việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Qua đó, người dân nhận thức được “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và chủ động phối hợp cán bộ y tế thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

Anh Nguyễn Minh Trọng, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ: “Bệnh SXH hiện không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn với người lớn. Vì vậy, gia đình thường xuyên loại bỏ các vật chứa nước không cần thiết xung quanh nhà, thường xuyên súc rửa lu, bình hoa để tránh nơi sinh sản của muỗi. Vì không có muỗi, không có lăng quăng là không có SXH”.

Tại huyện Cần Đước, công tác phòng, chống dịch được tập trung thực hiện. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Bác sĩ Trương Văn Hoàng thông tin: “Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện ghi nhận 251 ca mắc bệnh SXH, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016 và 1 ca mắc bệnh do vi-rút Zika. Công tác phòng, chống dịch được địa phương xem là một trong những giải pháp quan trọng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, ngành Y tế phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 ở 17 xã, thị trấn. Chiến dịch vòng 2 thực hiện từ ngày 28/7 đến ngày 10/8/2017.

Hàng tuần, huyện theo dõi, cập nhật bệnh ở các xã, thị trấn. Nếu có ca bệnh nặng và 2 ca bệnh xuất hiện trong 1 ấp thì tiến hành điều tra, xử lý bệnh theo quy trình. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện ghi nhận 41 ổ dịch, các ổ dịch đều được xử lý theo quy trình, đạt 100%. Ngoài ra, huyện đã ban hành công văn chỉ đạo các xã và các trạm y tế tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Thời gian tới, ngoài thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng vòng 2, ngành Y tế phối hợp vận động người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi. Theo chu kỳ của dịch SXH và theo kinh nghiệm phòng, chống dịch, bệnh SXH có nguy cơ bùng phát trở lại tại các xã: Long Định, Phước Đông và Long Hựu Đông. Vì vậy, huyện tập trung tuyên truyền, giám sát dịch bệnh ở các xã này”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Long An - Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Tuy bệnh SXH tăng 12%, so với cùng kỳ nhưng bệnh xuất hiện rải rác ở nhiều huyện, bệnh không tập trung và không kéo dài. Dự báo trong thời gian tới, với thời tiết diễn biến bất thường, mưa dầm xen kẻ nắng nóng ẩm sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, tình hình dịch bệnh sẽ diến biến phức tạp. Vì vậy, đề nghị người dân cần chủ động tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tự diệt muỗi, diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt…”./. 

- Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp hiệu quả nhất. Khi phát hiện bệnh nghi ngờ là SXH cần sớm đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

- Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay, Long An ghi nhận 1.654 ca mắc bệnh SXH, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, huyện Đức Hòa (374 ca); Bến Lức (277 ca); Cần Đước (251 ca); Cần Giuộc (188 ca); TP.Tân An (178 ca). Đồng thời, toàn tỉnh ghi nhận 324 ổ dịch, xử lý đạt 92%, các ổ dịch còn lại sẽ tiếp tục xử lý.

Quang Nguyên 

Chia sẻ bài viết