Ảnh minh họa: Internet
1. Đang cà phê hay bàn tròn sôi nổi với bạn bè, lúc nào, anh cũng thắc thỏm coi đồng hồ để kịp phóng xe máy về nhà, nơi có má anh sống thực vật sau một cơn đột quỵ ở tuổi 80. Đã mười mấy năm qua, anh gác lại mọi việc riêng tư, ngay cả những chuyến đi thực tế để sáng tác văn học cho thỏa đam mê. Hằng ngày, anh dậy sớm tắm rửa, nấu thức ăn và đút cho má từng muỗng nhỏ, dỗ dành má như con nít biếng ăn. Anh kiên khổ từng giờ chăm sóc má, người mẹ yêu quý nhất đời anh. Anh cảm nhận mình tuổi 70 mà còn có mẹ để phụng dưỡng là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Rồi hôm nay, anh dậy rất sớm lo cho má đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, do lãnh đạo Tỉnh ủy đến nhà trao tặng. 5 năm trước, Bí thư Thành ủy đã trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho người mẹ vẻ vang của anh đã đi theo Đảng từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Anh xiết bao vui sướng, tự hào khi nhìn nụ cười chợt lóa sáng trên gương mặt đầy vết hằn thời gian của má.
2. Ba má anh đều người Cần Đước, tỉnh Long An. 70 năm trước, ba má cưới nhau trong chiến khu Đồng Tháp Mười. Ba là thanh niên tiền phong chuyển sang Giải phóng quân sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Năm 1953, ba chuyển về Thái Nguyên trên chiến khu Việt Bắc, công tác ở Cục Quân giới do Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng, phát minh, chế tạo các loại vũ khí từng gây kinh hoàng cho giặc Pháp. Má ở Hội phụ nữ kháng chiến, tập kết ra Bắc trễ, phải đi bằng con đường bí mật, nếm trải đủ điều gian nguy nơi núi thẳm rừng sâu. Ba từ đơn vị về Thủ đô Hà Nội đón má rồi đi ngay. Đến lúc má sinh anh được 3 tháng thì ba có lệnh “đi B” (vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ). Má trao anh cho em trai má là cậu Tư tập kết ra Bắc, ở lại công tác tại tỉnh Thái Bình, nuôi dưỡng. Rồi má đi B cùng ba. Từ đó, anh xa cả ba lẫn má theo nhiều năm tháng chiến tranh.
Ở Thái Bình, tới tuổi đi học, anh được cậu Tư đưa vào Trường học sinh miền Nam. Khi giặc Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc, trường phải liên tục sơ tán nay đây mai đó, tới lúc Mỹ đánh bom quá cấp tập vào cả trường học lẫn bệnh viện,..., trường phải sơ tán sang đất bạn Trung Quốc để duy trì việc dạy và học được an toàn. Ngay trên đất bạn, anh- học sinh lớp 9/10 hệ THPT 10/10, đã nấu nung ý chí đi bộ đội để vào Nam chung chiến hào đánh Mỹ với ba má. Ý chí ấy dần thành nỗi ước mơ da diết và thường trực trong người anh. Khi Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi của anh học rời Trung Quốc, quay về điểm xuất phát trên đất Thái Bình thì anh đã bước vào năm cuối của bậc THPT. Trở về mái trường cũ, đầu óc anh phân tán vì giấc mơ đi bộ đội như một lẽ sống không thể thiếu. Thế rồi, anh lén cậu Tư, bí mật đăng ký tình nguyện vào bộ đội. Từ đó, ngày đêm, anh cháy bỏng giấc mơ vào Nam chung chiến hào chống giặc Mỹ với ba má. Anh ra sức rèn luyện quân sự để trở thành “anh Bộ đội Cụ Hồ” vững vàng với lý tưởng phụng sự Tổ quốc. Hơn 8 tháng trong quân đội, anh cảm thấy mình trưởng thành rõ rệt và hăng hái bước vào khóa huấn luyện “đi B”. Dẫu biết bây giờ có giáp mặt ba má, anh cũng khó mà nhận ra. Cả ba má anh cũng vậy, làm sao nhận ra được đứa con trai mới 3 tháng tuổi nằm nôi ngày ấy, giờ đây đã là anh bộ đội hiên ngang! Ấy thế mà lòng anh vẫn háo hức chờ đón giây phút thiêng liêng ba má và anh gặp nhau ở một góc nào đó trên chiến khu Đồng Tháp Mười mà anh tưởng tượng sau những lần nghe đài phát tin chiến sự miền Nam.
Rồi một hôm, đơn vị đang tập huấn vượt Trường Sơn với tình huống cháy rừng sau trận bom Mỹ thiêu đốt, anh cõng chiếc ba lô nặng hơn 20 ký chạy qua khói lửa ngùn ngụt, bỗng có tiếng gọi giật anh lại, mời lên gặp Bộ chỉ huy đơn vị. Tại đây, người đầu tiên chạy ùa ra ôm và đấm tay lên lưng anh òa khóc lại là cậu Tư! Cậu nói tại sao con giấu cậu? Hơn nửa năm nay, cậu gác hết mọi việc để đạp xe đi dò hỏi tin tức về con... Anh đứng thừ người ra, mặc cho nước mắt tuôn rơi lã chã.
Theo quy định hiện hành ở miền Bắc lúc bấy giờ, anh thuộc diện học sinh miền Nam có bố mẹ đi B, được Nhà nước ưu đãi nuôi ăn học tới nơi tới chốn, chứ không vào lực lượng vũ trang và đi B. Nhưng đơn tình nguyện đi bộ đội, anh ghi “bố mẹ đang sinh sống ở tỉnh Thái Bình” và đơn vị tuyển quân chấp nhận.
Cuối cùng, anh buộc phải rời quân ngũ, quay về Trường Học sinh miền Nam. Ngay lúc đó, anh Tư Châu - cháu trai của ba, từ chiến trường miền Nam ra. Anh mặc đồ sĩ quan quân đội, đeo huân chương, trông rất oai vệ, lại đẹp trai nên đi tới đâu, ánh mắt người đẹp Thái Bình cũng ghé theo. Anh Châu gặp cậu Tư mới rõ nguồn cơn thằng em con của chú mình. Anh Châu bảo ba má ở chiến khu Đồng Tháp Mười vẫn luôn thương nhớ và quan tâm đến em, kỳ vọng em học giỏi, rèn luyện phẩm chất cho thật tốt để sau này giúp nước.
Anh Châu đi rồi, ở lại nhà cậu Tư, anh cảm thấy mình lạc lõng, tâm tư trĩu nặng khi quay lại nhà trường sau hơn 8 tháng bỏ học, mất căn bản. Như người mộng du, ngày ngày, anh ra đường, thẫn thờ ngóng về phương Nam... Đến một lúc không kìm được khát vọng và ý chí quá mạnh, nửa đêm, anh xốc ba lô đi như chạy trốn. Cứ thế, lòng tự tin mãi lôi cuốn anh về phía trước, vượt hơn 150 cây số tới Hà Nội là đôi dép Trung Quốc - loại đặc biệt dành cho lính, tróc hết đế, sứt hết quai. Ngã lưng trên ghế đá công viên, sáng hôm sau, anh thay dép mới, phom phom cuốc bộ về hướng miền Trung. Khi khát cháy cổ, anh vốc đại nước ruộng mà uống. Khi đói lả người, anh kiếm những chỗ có bán thức ăn để tìm những mẩu thừa mà khách vứt lại cho cơ thể có chút năng lượng. Anh đi như điên như dại, lòng vẫn tin mình sẽ vượt được Trường Sơn vào Nam gặp ba má. Ngày nọ, đôi chân anh sưng vù, nặng như mang cùm, không thể nào nhấc lên được nữa, anh gục xuống gốc đa bên đường và lịm vào giấc ngủ mê mệt. Sáng hôm sau, một nhóm người inh ỏi quanh anh. Họ cạy miệng cho anh uống sữa. Anh tỉnh dần. Một người (cấp chỉ huy là phải) nói: Chúng tôi là lực lượng dân quân, du kích ở đây, có nhiệm vụ làm rõ khách lạ,... Anh hiểu ra: Thời chiến phải cảnh giác trước mọi tình huống và kẻ lạ. Anh móc hết giấy tờ tùy thân ra và giải trình theo yêu cầu... Một cô nghe anh bày tỏ, thốt lên: “Anh điên rồi! Bộ muốn vượt Trường Sơn dễ lắm sao?”,... Bất giác, anh bụm mặt khóc nấc lên: “Tôi nhớ ba má tôi... Tôi phải đi B để gặp ba má tôi,...”. Anh đi mấy ngày rồi?- có tiếng hỏi. “Hình như cả tuần rồi”- anh nói. Có tiếng tặc lưỡi: “Đây mới là địa phận tỉnh Thanh Hóa. Anh còn phải đi mấy trăm cây số nữa mới lên tới Trường Sơn. Mà Trường Sơn bí hiểm, không như anh nghĩ đâu. Nào thú dữ, nào biệt kích do Mỹ huấn luyện... đều có thể ăn thịt anh đấy”,... Thấy anh bộc lộ một cách chân thành, họ giúp anh giày dép, lương khô, nước uống,... để anh quay về Thái Bình tạ lỗi với cậu Tư đang đau khổ vì sự mất tích của anh.
3. Thế rồi, số phận cũng chiều người. Anh đáp được chuyến tàu mang tên Thống Nhất - Hà Nội đi Sài Gòn ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tưng bừng đón vận hội mới. Anh tìm đến Bộ tư lệnh Quân khu 7 và đã gặp người mà anh mong đợi suốt 20 năm qua. Trong bộ quân phục bạc màu, ba anh bước ra từ Bộ Chỉ huy Quân khu. Ba đã luống tuổi, vẻ mặt cương nghị của người lính dạn dày trận mạc, ngồn ngộn cảm xúc. Đang thời quân quản, ba chỉ kịp dặn dò anh: Thi vào một trường đại học nào đó ở TP.HCM và rèn luyện mình nên người, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng. Ba ôm anh vào lòng, siết mấy cái rồi rời đi ngay, nhưng cũng kịp ngoái đầu lại, dặn anh về Long An gặp má ở Hội Phụ nữ tỉnh. Rồi ba đi vào Bộ Chỉ huy Quân khu với tác phong quân sự mạnh mẽ, dứt khoát.
4. Anh về Long An sống với má, vừa làm việc Nhà nước, vừa học Đại học tổng hợp ở TP.HCM, đi lại như con thoi với chiếc xe đạp cà tàng. Trong ký ức của anh bây giờ, hình ảnh của ba rất đỗi thanh bạch với cuộc đời dạn dày trận mạc khi khép mắt nằm xuống, khuôn mặt ngời lên vẻ thanh thản, tự hào bên thẻ Đảng và những huân, huy chương, huy hiệu mà Đảng, Nhà nước đã trao cho ba. Ba để lại cho anh lòng trung thực, độ lượng và nhân hậu, ngay cả tiêu chuẩn mình được hưởng ông cũng đem phân phát hết cho người có hoàn cảnh khó hơn mình. Giờ đây đã là “ông già hưu trí”, tuổi 70 mà anh còn có mẹ để phụng dưỡng, anh lấy đó làm niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc vô biên của đời mình./.
Quang Hảo
*Bài viết dựa trên tự sự và tâm tình của nhân vật