Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 11:20

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước phát triển. Việt Nam dần ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới đều bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Công lao này trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đầu tiên tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền bá vào Việt Nam. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc và CNXH; không chỉ tìm đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người dẫn đường cho dân tộc sau khi đã xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến lên CNXH, gắn độc lập dân tộc với CNXH, gắn nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế.

Vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất là phương pháp cách mạng mà Người gọi là cách làm: Phải biết cách làm thì làm mới chóng, biết cách làm thì sửa cái xã hội cũ mấy ngàn năm làm xã hội mới cũng không khó. Do nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm cách mạng bạo lực của Chủ nghĩa Mác-Lênin, khác với những nhà cách mạng tiền bối đương thời như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,... Người chủ trương dùng bạo lực cách mạng của quần chúng lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và bè lũ tay sai, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giành lấy và giữ vững chính quyền cách mạng. Để đánh đổ một chế độ mà bản thân nó đã là bạo lực, Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền” (Hồ Chí Minh về vấn đề quân sự, NXB Sự thật 1975, trang 8).

Thật vậy, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối; ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến 1945, phong trào cách mạng đã dâng cao; ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh thích hợp, làm tiền đề cho tổng khởi nhĩa. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Bước phát triển cao nhất và quyết liệt nhất của bạo lực cách mạng là khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng khi vấn đề giành chính quyền được đặt trên bàn nghị sự của cách mạng, nên tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc míttinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Thời gian lùi càng xa, đã 70 năm trôi qua, nhìn lại, chúng ta càng thấy sự vĩ đại của Đảng và đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sử dụng đúng phương pháp cách mạng, chọn đúng thời cơ và trong cuộc cách mạng ấy,sức mạnh của quần chúng nhân dân được nhân lên gấp bội vì Người luôn luôn xem  đây là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bài học của Cách mạng Tháng Tám phải được phát triển sáng tạo để tìm ra con đường đổi mới quá độ lên CNXH, thực hiện mong ước cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” bên cạnh thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn. Hiện nay, hòa bình và hợp tác giữa các nước tuy có bước phát triển nhưng cuộc đấu tranh giữa các lực lượng vẫn không kém phần gay gắt; nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo,... vẫn tồn tại. Đối với nước ta, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Là một bộ phận của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ra sức phấn đấu góp phần vì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới, đang mở rộng giao lưu quốc tế, cải thiện các quan hệ, tham gia vào phân công lao động quốc tế và hợp tác với các nước có chế độ chính trị-xã hội khác nhau, tranh thủ sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật-công nghệ hiện đại, học tập kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhằm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại, vượt qua những vấn đề gay gắt của thời đại trên bước đường đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” (Di chúc). Công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua đã giành được những thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử và sẽ không thành công nếu không “dựa vào lực lượng của toàn dân”./.

Nguyễn Anh Chiến (Hội Cựu chiến binh tỉnh)

Chia sẻ bài viết