Tiếng Việt | English

27/07/2021 - 08:51

Chúng tôi đã làm, mọi người cứ yên tâm ở nhà!

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, khi mọi người được khuyến cáo nên ở nhà, hạn chế ra ngoài để bảo đảm sức khỏe, thì có những người miệt mài với công việc bên ngoài. Họ ra ngoài để người khác được yên tâm ở nhà. Đó là các cán bộ ấp, xã, đoàn thể - những người thầm lặng trên “mặt trận” phòng, chống dịch.

Chỉ sau 2 ngày hoạt động, mỗi ngày, điểm cung ứng rau, củ, quả ở huyện Cần Đước tiếp nhận hơn 100 đơn hàng khắp các xã, thị trấn trong huyện

Ứng tiền cá nhân hỗ trợ trước cho dân

Đầu giờ chiều, thay vì vào UBND xã làm việc, ông Lê Văn Tâm - cán bộ Lao động Thương binh - Xã hội xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An lại chuẩn bị đi phát tiền hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Mỗi người lao động được hỗ trợ 750.000 đồng nên ông Tâm chủ động đổi tiền thành các mệnh giá khác nhau để dễ cấp phát. Ngay khi có chủ trương, các trưởng ấp nhanh chóng thống kê số người được hưởng hỗ trợ theo quy định để địa phương họp xét. Thống nhất danh sách nhưng kinh phí tạm thời chưa được cấp, ông Tâm bàn với vợ tạm ứng tiền cá nhân cấp cho người dân trước vì biết mọi người đang chờ.

Ông nói: “Tiền ngân sách chắc chắn sẽ được cấp nhưng giờ bà con cần nên mình cứ ứng trước”. Ông đến từng ấp, cùng trưởng ấp phát tiền. Ấp nào ít người nhận trợ cấp, ông hẹn mọi người lần lượt đến nhà văn hóa ấp, bảo đảm thông điệp “5K” và không quá 2 người vào nhận tiền cùng thời điểm. Ấp nào số người nhận trợ cấp nhiều, ông sẽ đến từng nhà để tránh tập trung đông người. Tiền được chuẩn bị sẵn nên người đến chỉ cần ký tên, nhận đủ số tiền rồi ra về.

Cất vội tiền vào túi, bà Đặng Thị Thoa (ấp 4, xã Phước Tân Hưng) nói: “Từ bữa nghỉ làm tới nay, không còn tiền bạc gì, được trợ cấp nhiêu đây, gia đình tôi có tiền mua gạo, thực phẩm rồi!”. Bà Thoa thuộc diện khó khăn. Gánh vé chai là “nguồn sống” của gia đình. Nhờ đó, mỗi ngày, bà dành dụm một ít nuôi con học đại học. Đứa con còn lại của bà bị bệnh bẩm sinh không lao động được. Nghỉ việc do dịch, gia đình bà khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chính những hoàn cảnh như thế đã thôi thúc ông Tâm ứng tiền chi trước để người được hỗ trợ có tiền giải quyết khó khăn trước mắt. Chỉ trong 2 ngày, ông Tâm đã chuyển tận tay số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho 150 lao động tự do trong xã bị mất việc tạm thời.

Ông cười: “Phải làm xong vậy mới yên tâm”. Rồi ông bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động nhân ngày 27/7.

Để các hộ gặp khó khăn sớm nhận được tiền hỗ trợ, ông Lê Văn Tâm tự nguyện ứng tiền cá nhân trao trước cho người dân

Đi chợ giúp dân

Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, chính quyền cơ sở, đoàn thể ở xã, ấp luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Truy vết, quản lý người về từ vùng dịch, trao quyết định cách ly, hết cách ly, tổ chức các bếp ăn, vận động tài lực, vật lực ủng hộ các hộ khó khăn, các khu cách ly,… đều có sự tham gia của cán bộ cơ sở. Khi Chỉ thị 16 được áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh, cán bộ cơ sở nhận nhiệm vụ ra ngoài thay dân, giúp người dân an tâm ở nhà phòng dịch.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Tuy - Nguyễn Thị Kim Thuấn đến nhận rau về giao cho các hộ dân trong xã theo đơn đặt hàng

Điểm cung ứng rau, củ, quả cho người dân được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên huyện Cần Đước vận hành ngay khi Chỉ thị 16 được áp dụng. Điểm cung ứng liên kết với các hợp tác xã rau tại địa phương, cung cấp rau, củ, quả, trứng cho người dân với mức giá bình ổn, giao tận nhà mà không tính phí giao hàng. Số điện thoại đặt hàng được công bố rộng rãi trên loa, đài truyền thanh các xã và mạng xã hội. Người dân cần rau gì, số lượng bao nhiêu chỉ việc gọi điện thoại sẽ có người mang đến tận nhà dù đó là khu vực thị trấn hay xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Đơn hàng nhận trước 12 giờ được giao trong ngày. Các đơn sau 12 giờ được giao vào ngày hôm sau.

Là người chịu trách nhiệm nhận đơn hàng thông qua điện thoại, chị Cao Thị Kim Nguyệt túc trực tại kho hàng, lên đơn, kiểm tra hàng hóa, thông tin nhập hàng,... Dẫu biết công việc vất vả và tiềm ẩn nguy cơ khi phải tiếp xúc nhiều người nhưng các anh, chị vẫn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Không khí làm việc tại điểm cung ứng rau, củ, quả hết sức khẩn trương. Chỉ sau 2 ngày hoạt động, mỗi ngày, điểm cung ứng tiếp nhận hơn 100 đơn hàng khắp các xã, thị trấn trong huyện nên áp lực công việc khá cao. Người soạn đơn hàng, ghi chú, người chuyển hàng ra phía trước, kiểm tra lại lần cuối trước khi giao. Ai cũng đeo khẩu trang, bao tay nhựa bảo vệ sức khỏe bản thân. Sau khi nhận thông tin về đơn hàng, đội ngũ giao hàng ở xã đến điểm tập kết và đi giao nhưng cũng có đôi lúc gặp chuyện “dở khóc, dở cười”.

Cầm túi rau từ xã Phước Tuy trở lại điểm cung ứng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Tuy - Nguyễn Thị Kim Thuấn cho biết, người đặt không nhận hàng nữa. Chị cười: “Lâu lâu cũng gặp một đơn hàng như vậy”.

Không khí làm việc tại điểm cung ứng rau, củ, quả tập trung và khẩn trương

Dẫu biết ra ngoài vào thời điểm dịch bệnh là tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng với những người như ông Tâm, chị Nguyệt, chị Thuấn và rất nhiều cán bộ cơ sở khác đang tham gia công tác hậu cần, phòng, chống dịch, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, niềm vui khi được hỗ trợ mọi người, góp phần nhỏ vào công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Ai cũng có gia đình, người thân với những mối lo riêng nhưng khi xã hội cần, họ sẵn sàng tạm gác việc riêng vì lợi ích chung. Họ đã làm hết sức mình để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người dân trong dịch bệnh./.

Ai cũng có gia đình, người thân với những mối lo riêng nhưng khi xã hội cần, họ sẵn sàng tạm gác việc riêng vì lợi ích chung. Họ đã làm hết sức mình để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người dân trong dịch bệnh”.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết