Tiếng Việt | English

09/04/2024 - 11:33

Chương trình truyền hình thực tế về cải lương lên sóng

Chương trình Học viện Cải lương - dự án tâm huyết của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Tuyết ở tuổi 80 đã lên sóng lúc 19 giờ trên Today TV - YouTV và 20 giờ trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết vào chủ nhật hàng tuần.

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt chương trình Học viện Cải lương

Học viện Cải lương với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh NS cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề mà còn làm văn hóa. Chương trình được xây dựng theo mô hình học viện, trong đó NSND Bạch Tuyết trong vai trò viện trưởng, với sự đồng hành của các NS cải lương gạo cội: Châu Thanh, Thanh Hằng và “thầy đờn” NSND Thanh Hải. Đáng chú ý, chương trình còn có sự đồng hành của các đại sứ văn hóa, gồm bà Xuân Trang (Hiệu trưởng Trường John Robert Powers), ca sĩ Thu Phương, diễn viên Hứa Vĩ Văn, hoa hậu H’Hen Niê, hoa hậu Ngọc Châu, ca sĩ Phương Mỹ Chi,... nhằm truyền thêm cảm hứng, lan tỏa giá trị nghệ thuật đến đông đảo các đối tượng, nhất là người trẻ.

Chia sẻ về chương trình, NSND Bạch Tuyết cho biết, Học viện Cải lương như một “ngôi nhà chung”, là nơi gặp nhau của nhiều thế hệ trong trăm năm cải lương. Ở đó, mọi người có thể lắng nghe nhau, trao đổi thông tin về nghệ thuật cải lương và văn hóa Việt thời kỹ thuật số.

Học viện Cải lương gồm 12 tập. Trong đó, 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh; 8 tập sau là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, giám khảo chọn ra 25 thí sinh đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân. Sau đó, nhà sản xuất tổ chức gala, tạo môi trường để thí sinh, người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp.

Theo nhà sản xuất, chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một NS cải lương chuyên nghiệp. Chương trình cũng hướng đến đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật của đất nước.

Tiêu chí của chương trình là đi tìm - đào tạo - truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn NS - giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều NS bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, từng phần thử thách. Họ đều là những NS danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương như NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NS Ưu tú Diệu Hiền, NSND Vương Hà, NS Ưu tú Bạch Long, NS Kiều Mai Lý, NSND Hữu Quốc, diễn viên Lê Khánh,...

Một trong những điểm thú vị của chương trình là sự đồng hành của các đại sứ văn hóa. Họ là giảng viên, doanh nhân, NS,... đã có những thành công trong sự nghiệp cá nhân, yêu thích và ủng hộ sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Ở mỗi tập sẽ có một người đồng hành để chấm chọn thí sinh. Các đại sứ văn hóa sẽ đánh giá thí sinh với vai trò một khán giả đặc biệt. Với hoạt động sân khấu thực tiễn, khán giả đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của NS. Vì thế, nhà sản xuất mong muốn bên cạnh những NS chuyên nghiệp sẽ có thêm thành phần này. Họ cũng góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu với cải lương.

“Sau khi tốt nghiệp ở Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh, tôi ấp ủ thực hiện chương trình để quảng bá giá trị của nghệ thuật cải lương, đến nay, nhờ sự trân trọng, giúp đỡ nên chúng tôi thực hiện được công việc “gạch nối” giữa hôm qua và ngày mai. Tôi biết ơn vì điều này!” - NSND Bạch Tuyết bày tỏ.

NS Thanh Hằng cho biết, bà xúc động, vinh hạnh khi ngồi ghế giám khảo của chương trình. “Trong chương trình này, tôi cũng học được nhiều hơn. Là người đi sau, tôi thấy có trách nhiệm tiếp tục học hỏi từ tiền bối, những tấm gương tốt, tâm huyết của NSND Bạch Tuyết để giúp thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của cải lương” - NS Thanh Hằng chia sẻ.

NSND Thanh Hải bày tỏ: “Ông cha đã để lại cho chúng ta kho tàng văn hóa quý giá, tôi và các bạn, chúng ta tiếp tục gìn giữ. Những sự đóng góp của chúng ta có thể rất nhỏ nhưng vẫn phải làm... Với Học viện Cải lương, chúng tôi hy vọng sẽ được khán giả đón nhận, bên cạnh đó, hãy đóng góp những ý kiến để chúng tôi hoàn thiện hơn, điều này rất cần thiết với người làm nghề. Với thí sinh, khi đã được trời phú cho giọng ca thì phải liên tục học tập, trau dồi không ngừng. Chúng tôi kỳ vọng các bạn tiếp tục lan tỏa cải lương, để giữ gìn bộ môn nghệ thuật quý giá này”./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết