Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, 9 tháng năm 2022, toàn huyện có trên 650ha rau màu và trên 473ha cây lâu năm. Trong đó, diện tích cây ăn quả trên 436ha, tăng 34,51ha so cùng kỳ; cây lấy quả chứa dầu (cây dừa) 32,15ha, tăng 5,8ha so cùng kỳ; cây lâu năm khác (cây hoa mai) 5,69ha.
Tại xã Bình Thạnh, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, không ít nông dân thật sự đổi đời nhờ các vườn cây ăn quả. Ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh) mạnh dạn đầu tư cải tạo trên 5ha đất sản xuất lúa để trồng cây ăn quả. “Tôi quê gốc ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đến xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa lập nghiệp từ năm 1995. Lúc đầu, tôi chỉ trồng lúa nhưng lợi nhuận không cao. Sau này, khi địa phương xây dựng đê bao ngăn lũ, tôi đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả” - ông Ngọc Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) có thu nhập ổn định nhờ chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái
Trồng cây ăn quả được xem là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, từ khi trồng đến thu hoạch tốn khá nhiều thời gian. Để cải thiện kinh tế, vừa không để đất trống, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ông Ngọc Minh linh hoạt trồng xen canh nhiều loại cây ngắn ngày trên cùng một diện tích như bưởi da xanh, ổi, chanh không hạt và dừa xiêm lùn. Theo đó, sau khoảng nửa năm, trên 700 gốc ổi bắt đầu cho thu hoạch và mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng cho gia đình ông Ngọc Minh. Từ nguồn thu nhập này, ông tiếp tục duy trì, chăm sóc các loại cây còn lại. Hiện nay, sau hơn 5 năm chuyển đổi cây trồng, mỗi tháng, ông Ngọc Minh có thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng. “Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng các loại cây ăn quả, tôi quyết định đầu tư cải tạo thêm 1,8ha để trồng sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng hơn 4 năm tuổi và đang phát triển tốt” - ông Ngọc Minh chia sẻ thêm. Nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây ăn quả của gia đình ông Ngọc Minh không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Còn tại xã Bình Hòa Hưng (huyện Đức Huệ), đa phần đều là dân kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào Nam lập nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu trồng tràm và lúa. Trong đó, lúa chỉ sản xuất được một vụ do khó khăn về thủy lợi. Từ khi được huyện, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, người dân bắt đầu sản xuất được 2 vụ lúa, năng suất bằng với năng suất trung bình của toàn huyện.
Trồng rau má giúp nhiều nông dân tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thanh Hải, hiện nay, bên cạnh cây lúa, nông dân còn chuyển đổi sang một số loại cây trồng như chanh, rau má, dưa hấu, đu đủ, ớt,... Hầu hết các loại cây trồng này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa. Trong đó, nổi bật là cây chanh và rau má với hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng lúa. Ông Bùi Văn Gắt (ấp 2) trồng 3ha rau má, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau quá trình tìm tòi, học hỏi và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, tôi quyết định chuyển đổi sang trồng rau má. Rau má là loại cây ngắn ngày, trồng khoảng 65 ngày có thể thu hoạch. Mỗi đợt xuống giống, nông dân thu hoạch được 3-4 lần; sau lần thu hoạch đầu tiên, cách 20 ngày sẽ thu hoạch một lần. Với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, tôi có lãi khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Để đạt hiệu quả lâu dài
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Hưng - Lữ Quốc Kiệp thông tin: Hiện toàn xã có 89ha rau má. Đây là loại cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. “Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND xã đề ra một số giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Xã tổ chức trình diễn các mô hình và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân nắm biết, áp dụng vào sản xuất, nhất là các mô hình đang mang lại hiệu quả như rau má, chanh, dưa hấu,... Đồng thời, xã tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất” - ông Lữ Quốc Kiệp thông tin thêm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết: “Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong đó, nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng, chanh,... Để hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chức năng mở lớp tập huấn kỹ thuật; đồng thời, vận động, khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Đây là hướng đi mới trong chính sách chuyển đổi giống cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại địa phương. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại tín hiệu khả quan. Thu nhập và đời sống của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên”.
Các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH đã làm cho diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra
trong giai đoạn tiếp theo./.
"Các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH đã làm cho diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo. |
Bùi Tùng