Tiếng Việt | English

06/01/2021 - 10:06

Chuyện xã hội hóa ở xã vùng sâu

Ai có công góp công, ai có của góp của, không phân biệt ít nhiều, huy động mọi nguồn lực tham gia, đó là phương châm vận động xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) ở xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An góp phần nâng chất xã nông thôn mới.

Các phong trào xây dựng cầu, đường ở xã Thủy Đông luôn được người dân đồng tình, hưởng ứng

Các phong trào xây dựng cầu, đường ở xã Thủy Đông luôn được người dân đồng tình, hưởng ứng

Một ngày đầu năm 2021, chúng tôi có dịp về xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa. Tại đây, chúng tôi thấy kết cấu hạ tầng GTNT thay đổi đến bất ngờ. Hình ảnh các cây cầu khỉ, cầu ván tạm bợ ngày nào được thay thế bằng cầu bêtông kiên cố, sạch đẹp. Ghé vào UBND xã, trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã - Phan Vũ Cường, chúng tôi còn bất ngờ hơn khi chỉ trong năm 2020, xã vận động xã hội hóa xây dựng 14 cây cầu GTNT với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. Đây là kết quả đáng tự hào ở một xã vùng sâu khi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Ông Phan Vũ Cường chia sẻ: “Thủy Đông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thạnh Hóa, có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, người dân đi lại rất khó khăn. Xác định được vấn đề này, xã huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT, với phương châm ai có công góp công, ai có của góp của, không phân biệt ít nhiều, huy động mọi nguồn lực tham gia. Trong đó, UBND xã đóng vai trò kết nối các nhà hảo tâm, người con quê hương thành đạt đóng góp tiền xây dựng cầu; đồng thời, vận động người dân đóng góp ngày công, nấu ăn trong suốt thời gian xây cầu. Nhờ vậy, đến nay, kết cấu hạ tầng GTNT của xã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”.

Ông Phùng Văn Hùng phấn khởi khi đi trên cây cầu mới

Ông Phùng Văn Hùng phấn khởi khi đi trên cây cầu mới

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Phan Vũ Cường cử cán bộ đưa chúng tôi đến nhà ông Phùng Văn Hùng, ngụ ấp Bến Kè, để tìm hiểu về hành trình góp công xây dựng cầu GTNT của người dân xã Thủy Đông. Uống một ngụm trà, ông Hùng chỉ tay về cây cầu Phước Hảo nói: “Trước đây, cầu này được làm bằng ván tạm bợ, sập mấy lần rồi, may mắn là không xảy ra tai nạn lớn, chỉ có bị xây xước nhẹ. Nghe xã thông báo vận động được nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây cầu, chỉ còn thiếu công lao động và tiền ăn cho thợ xây cầu, gia đình tôi tự nguyện cho thợ ở nhà miễn phí; đồng thời, vận động người dân xung quanh góp tiền nấu ăn và đóng góp ngày công xây cầu. Riêng bản thân tôi và một số người lớn tuổi trong ấp đóng vai trò giám sát chất lượng, thấy chỗ nào không phù hợp, chúng tôi đóng góp ý kiến ngay. Giờ đây, cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi mừng lắm!”.

Không chỉ huy động được sức dân xây dựng cầu, Thủy Đông còn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân trong phong trào hiến đất làm đường GTNT. Cụ thể, năm 2020, xã vận động người dân hiến đất làm đường GTNT với kinh phí quy đổi trên 400 triệu đồng. Bà Đỗ Thanh Thủy, ngụ ấp Nước Trong, cho biết: “Gia đình tôi hiến gần 100m2 đất làm đường GTNT. Gia đình tôi nói riêng, người dân xã Thủy Đông nói chung luôn hiểu mục đích của các phong trào do địa phương phát động là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Quả thật, từ khi người dân hiến đất làm con đường trước cửa thì tình trạng nắng bụi, mưa lầy không còn nữa, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp”.

Có thể thấy, điều đáng ghi nhận trong hành trình xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT ở Thủy Đông là nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Tin rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, đời sống của người dân xã Thủy Đông sẽ ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần nâng chất xã nông thôn mới./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết