Tiếng Việt | English

06/11/2018 - 20:58

Có một tấm lòng giàu bè bạn

Từ trái qua: Nhà thơ Kiên Giang; nhà thơ, NSƯT Hồ Kiểng; nhạc sĩ Châu Kỳ (đều quá cố) và bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ

Từ trái qua: Nhà thơ Kiên Giang; nhà thơ, NSƯT Hồ Kiểng; nhạc sĩ Châu Kỳ (đều quá cố) và bà Kha Thị Đàng - vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ

1. Từng có nhiều năm sống với ông - cố nhà thơ, nhà báo, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà - vẫn khó biết ông có bao nhiêu bạn - đúng nghĩa là bạn - bạn văn, bạn thơ, bạn soạn giả, bạn nghệ sĩ sân khấu cải lương, nhạc sĩ, nhà báo,... Có lẽ người bạn - cũng là người thầy đầu tiên dìu dắt ông bước vào thi đàn là thi sĩ Nguyễn Bính. Hai người cùng đi kháng chiến ở Quân khu 9 khi Cách mạng Tháng Tám bùng lên. Tại đây, ông có thêm nhà văn Sơn Nam - bạn đồng hương và bạn văn nghệ - nhà thơ Truy Phong. Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm, ông lên Sài Gòn cùng Sơn Nam hoạt động trong làng văn, làng báo và, với bút danh Hà Huy Hà, ông bước vào lĩnh vực soạn tuồng cải lương, sải bước theo các đàn anh Năm Châu, Viễn Châu,... Sau ngày thống nhất đất nước, ông mang cái tụng bàng to đùng như vật bất ly thân trên vai, làm cố vấn nghệ thuật cho các đoàn cải lương Thanh Minh, Thanh Nga,... lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc, rồi miền Trung, rồi Nam bộ,...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng đã làm một bộ phim về đời nghệ sĩ Kiên Giang - Hà Huy Hà, với tên phim Chiếc giỏ đời người và câu thơ của ông “Trái tim là một con tàu suốt/ Không có sân ga, trạm cuối cùng” nên ông lãng du cho tới cuối đời vẫn còn là “Trâu già vượt mấy dốc lầy/ Xa nhà còn nhớ luống cày hoàng hôn” (Thơ viết thuở bạc đầu - Kiên Giang).

Lần nọ, ông đến nhà tôi, lấy từ “chiếc giỏ đời người” cuốn sách khổ to (20,5cm x 28cm) dày cộp, nói “Tặng em”. “Thi Đàng Kỳ Duyên - Nhạc Châu Kỳ, Hồi ký Kha Thị Đàng” - tôi đọc tên sách. Lướt qua mấy trăm ca khúc, mấy chục bức ảnh tư liệu đời nhạc sĩ Châu Kỳ, tôi nói, bà Đàng làm được sách thế này,... công phu quá. Ông bảo “còn hơn cả công phu; đó là trái tim bà đối với người chồng quá cố của mình: “Có thể nói Châu Kỳ là người thanh niên Huế đầu tiên đem nhạc mới lên sân khấu ca kịch truyền thống Huế. Hồi đó, Châu Kỳ hát nhạc Tây đặt lời Việt để dần dà bước sang lĩnh vực sáng tác nhạc mới. “Trở về” là nhạc phẩm đầu tay của anh từ năm 1942. Vừa là nhạc sĩ sáng tác, vừa là ca sĩ, Châu Kỳ đã vào Nam ra Bắc, qua tận Ai Lao,... du ca với hồn nhạc Huế gieo rắc khắp nơi, đóng góp không nhỏ vào kho tàng tân nhạc Việt Nam”, bà viết về ông (từ thập niên 50 của thế kỷ XX, Châu Kỳ là nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa nổi tiếng cả nước).

Tôi biết Châu Kỳ qua Kiên Giang. Ông hay đưa tôi đến chơi với người nhạc sĩ lão thành khi ấy. Lần nào cũng vậy, thấy Kiên Giang đến là Châu Kỳ lấy đàn guitar ra dạo rồi hát nhạc mà ông vừa phổ thơ Kiên Giang. Có lần, có người biếu Kiên Giang chai rượu quý, ông liền đem biếu lại Châu Kỳ cùng bài thơ Chai rượu quý. Châu Kỳ phổ nhạc ngay bài thơ ấy theo điệu Slow Surf rồi hát cho Kiên Giang nghe: “Bạn phương xa gởi cho chai rượu quý. Đẹp tấm lòng và đẹp ý nhân sinh. Rượu chưa say mà say bởi men tình. Niềm xúc động nhớ dáng hình tri kỷ...”. Châu Kỳ hát, Kiên Giang nghiêng tai nghe - đôi bạn già cứ như Bá Nha - Tử Kỳ từ cổ tích bước ra!

Sau Châu Kỳ qua đời, với sự động viên, trợ giúp của Kiên Giang, bà Kha Thị Đàng cất công đi tìm nhạc phẩm, thư từ và hình ảnh của chồng rồi cả năm tỉ mẩn sắp xếp, viết thành hồi ký về cuộc đời của người chồng quá cố. Giọt lệ đài trang, Đừng nói xa nhau, Được tin em lấy chồng, Đón xuân này nhớ xuân xưa,... của Châu Kỳ là những nhạc phẩm “vượt thời gian”.

Kiên Giang (hàng sau) và vợ chồng nhà văn Sơn Nam (lúc ấy đã ngoài 80 tuổi). Tất cả những người này đều đã ra người thiên cổ (Ảnh Kiên Giang tặng tác giả lúc ông còn sống)

Kiên Giang (hàng sau) và vợ chồng nhà văn Sơn Nam (lúc ấy đã ngoài 80 tuổi). Tất cả những người này đều đã ra người thiên cổ (Ảnh Kiên Giang tặng tác giả lúc ông còn sống)

2. Ít lâu sau, cũng từ “Chiếc giỏ đời người”, Kiên Giang lấy tặng tôi tập sách mỏng “Nhà thơ Truy Phong và Một thế kỷ mấy vần thơ sống mãi với những trang sử thi trong nền thi ca yêu nước và tranh đấu chống thực dân Pháp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long” mà người viết là Kiên Giang - Hà Huy Hà. Trong sách, ông ghi: “Từ 1946 đến 2005, tôi và Truy Phong (tên thật Dương Tấn Huấn, quê Vũng Liêm, Vĩnh Long) “là đôi bạn chiến đấu và thi hữu trong trường văn trận bút cũng như trên đường văn nghiệp hơn nửa thế kỷ qua. Khi ở Quân khu 9, Truy Phong là Tổ trưởng, tôi là Tổ phó Tổ thơ của Trại sáng tác Văn nghệ miền Tây 1956 ở xóm Cả Đài, làng Tân Duyệt, Cà Mau. Có khi 2 người xoay trần lội nước trong cái lạnh cắt da để bao đăng bắt cá cho bếp ăn tập thể của đơn vị”. Ông viết tiếp: “1956, tôi thâm nhập làng báo Sài Gòn cùng lúc Truy Phong làm bùng nổ công luận với bài thơ Một thế kỷ mấy vần thơ sau khi quân Pháp bại trận cuốn cờ xuống tàu về nước. Tuần báo Tiến Thủ đăng bài thơ này, bị đóng cửa; tòa soạn bị đập phá, Chủ nhiệm Việt Tha Lê Văn Thử và Chủ bút Hương Nam bị theo dõi. Mượn lá chắn Ban Thi văn Mây Tần, tôi tổ chức diễn ngâm bài thơ đó. Thi văn đàn Chim Việt cũng lén in bài thơ đó với lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam...”. Nhà thơ Truy Phong sau cơn đột quỵ nằm một chỗ vào những năm tháng cuối đời, Kiên Giang tới lui như con thoi với bạn. Có khi thức suốt đêm với kỷ niệm “9 năm” với bạn để cùng bạn sống lại thời oanh liệt ở những bưng biền chống Pháp của mình mà vui, tự hào. Đêm trước khi mất, Truy Phong áp miệng vào tai Kiên Giang thều thào: “Tôi làm cho vợ nhiều thơ rồi, từ lúc mới yêu nhau đến lúc có con. Tôi bệnh nằm liệt giường, bà ấy nuôi, tôi cảm động khóc thầm mà không làm được bài thơ nào xứng đáng để ca ngợi vợ mình. Vậy tôi nhờ Kiên Giang làm giúp tôi, nói lên tình nghĩa, đức tính hy sinh vì chồng”. Đêm đó, Kiên Giang thức trắng làm bài thơ 7 chữ, 60 câu gởi gắm tâm sự của Truy Phong và ngợi ca, tôn vinh vợ Truy Phong vừa là “hiền nội”, vừa là “nàng thơ”. Xin chép một đoạn: “...Thời kháng chiến cùng chia lửa đạn/ Lúc về già đối bóng đèn khuya/ Thơ chồng viết nặng tình sông núi/ Lời vợ khuyên như tiếng vỗ về”...

Trên đây là 2 trong số rất nhiều người bạn của Kiên Giang. Ông còn rất nhiều đàn em, học trò và rất nhiều người lúc trẻ mồ côi, bụi đời, giang hồ,... được ông đem về nhà nuôi, cảm hóa, dạy dỗ nên người. Bây giờ “ai còn nhớ hay ai đã quên”?!

Quang Hảo(Viết nhân ngày giỗ tròn 3 năm của cố nhà thơ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà)

Chia sẻ bài viết