Tiếng Việt | English

21/03/2023 - 20:44

Công an cần vào cuộc vụ nhiều tiếp viên hàng không bị ghép hình ảnh xấu xí

Các tiếp viên hàng không có thể yêu cầu lập vi bằng để làm bằng chứng khởi kiện hoặc tố cáo ra công an, yêu cầu xử lý người gán ghép hình ảnh mình với vụ xách ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Như Thanh Niên thông tin, hiện nay nhiều tiếp viên hàng không vô cùng bức xúc khi mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh của họ bị gán ghép với vụ việc xách ma túy từ Pháp về Việt Nam.

"Mình yêu cầu gỡ toàn bộ những hình ảnh và thông tin không chính xác liên quan đến mình. Việc các bạn đã và đang làm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và danh dự của mình sau này. Nếu những hành động này còn tiếp diễn mình sẽ nhờ luật pháp can thiệt", chị Ngô Thu Thủy (26 tuổi, tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines) nói trên trang Facebook cá nhân.

Không chỉ riêng chị Thủy mà một số đồng nghiệp khác của chị cũng bị đưa vào câu chuyện tương tự.

Hình ảnh của chị Thủy bị ghép với những thông tin không chính xác (TNO)

Vậy những người chia sẻ hình ảnh không đúng sự thật về các nữ tiếp viên, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của họ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Thị Sương (Công ty luật TNHH MTV Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo điều 32 bộ luật Dân sự, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu sử dụng hình ảnh trái phép cùng với việc tung thông tin sai lệch làm nhục, vu khống người khác thì được xem là hành vi xâm phạm an ninh mạng quy định tại khoản 3, điều 16 luật An ninh mạng năm 2018.

Khi bị sử dụng hình ảnh trái phép, các tiếp viên hàng không cần thu thập chứng cứ lưu giữ hình ảnh, đồng thời yêu cầu họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, tung thông tin sai lệch về mình. "Người bị gán ghép có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự việc, để làm chứng cứ khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo ra công an yêu cầu phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, bồi thường thiệt hại…", luật sư Sương nói.

Một tiếp viên hàng không bất ngờ khi hình ảnh của mình bị chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến vụ tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam (TNO)

Cũng theo luật sư Sương, theo điều 101 và điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, tội vu khống hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Hiện nay, hầu hết công an các tỉnh, thành đã thành lập Phòng An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05). Đây là đơn vị chuyên phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành. Do đó, nếu người nào bị gán ghép thông tin sai sự thật có thể trực tiếp liên hệ đến PA05 để tố cáo, tố giác sự việc.

"Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết pháp luật và sớm phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân, xâm phạm an ninh không gian mạng", luật sư Sương nhấn mạnh./.

Ngân Nga/thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết