Ngày 25/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2022.
Bức tranh ICT Việt Nam năm 2022 chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ về chuyển đổi số. Cụm từ "chuyển đổi số" được xuất hiện thường xuyên và liên tục ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Để thể hiện quyết tâm và nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đối số quốc gia.
Không dừng lại ở đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược này có tầm nhìn mục tiêu phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.
Nếu như những năm trước đây, bức tranh ICT Việt Nam có gam mầu chủ đạo là lĩnh vực viễn thông với mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 2 con số thì năm 2022 lĩnh vực viễn thông truyền thống vấn tiếp đà suy giảm. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy mức tăng trưởng của lĩnh vực viễn thông chỉ đạt 1,6%, đây là một con số khá khiêm tốn.
Năm 2022, một số nhà mang đã bắt đầu thực hiện tắt sóng 2G và 3G ở một số nơi nhu cầu thấp. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G.
Bức tranh viễn thông Việt Nam năm 2022 không thể không nhắc đến vấn nạn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo tấn công khách hàng. Trước vấn nạn này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu nhà mạng phải thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Một trong những điểm nhấn của viễn thông năm 2022 là Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện đồng bộ các quy định từ lập, ban hành quy hoạch tần số đến việc cấp phép tần số để quản lý, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là với những băng tần "quý hiếm."
Trung tâm R&D mới của Samsung tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong năm 2022, trong cơn khủng hoảng chip toàn cầu thì Việt Nam được xem là điểm sáng khi hai doanh nghiệp là FPT và Viettel đều tuyên bố sản xuất chip. FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự kiện Samsung Việt Nam chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Sự dịch chuyển của các tập đoàn lớn trên thế giới chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới./.
10 Sự kiện ICT tiêu biểu năm 2022 do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam bình chọn
1 - Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
2 - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
3 - Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
4 - Thủ tướng chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
5 - Giải thưởng VinFuture vinh danh các nhà khoa học phát minh ra mạng toàn cầu
6 - FPT sản xuất chip, đưa Việt Nam vào danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới
7 - Nhà mạng bắt đầu tắt sóng 2G và 3G
8 - Nhà mạng đồng loạt bắt tay ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác
9 - Samsung khánh thành Trung tâm R&D 200 triệu USD tại Hà Nội
10 - Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam
|
Minh Sơn (Vietnam+)