Tiếng Việt | English

03/09/2015 - 05:44

Cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học như thế nào là hợp lý?

Việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh khi xét tuyển đại học, cao đẳng là đúng, nhưng chưa hợp lý, gây sự bất bình đẳng giữa các thí sinh.

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bằng hình thức cộng điểm khi xét tuyển đại học, cao đẳng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trong mùa tuyển sinh năm nay, vấn đề cộng điểm điểm ưu tiên được nhiều thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội mang ra bàn thảo, tranh luận sôi nổi.

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 3 nhóm thí sinh được ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển đại học, cao đẳng gồm: nhóm ưu tiên theo đối tượng, nhóm ưu tiên theo khu vực và nhóm các thí sinh được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng nhưng không dùng quyền này mà dự thi và xét tuyển như các thí sinh khác.

Chỉ cần 0,25 ưu tiên điểm, nhiều thí sinh từ trượt thành đỗ (Ảnh minh họa)

Mức điểm ưu tiên cao nhất ở mỗi nhóm là từ 1,5 đến 3 điểm. Với quy định ưu tiên này, đa phần các thí sinh đều được cộng từ 0,5 điểm đến 2 điểm ưu tiên khu vực, hoặc ưu tiên đối tượng, chỉ có thí sinh ở các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là khu vực 3), là không thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Một số thí sinh được cộng từ 3,5 điểm, thậm chí là 6,5 điểm nếu các em thuộc cả 3 nhóm đối tượng ưu tiên cộng điểm theo quy chế. Việc nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên và mức điểm ưu tiên quá nhiều khiến không ít thí sinh và phụ huynh cho rằng gây mất công bằng trong tuyển sinh.

Em Nguyễn Quang Việt, ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bày tỏ: “Theo em, việc cộng điểm như thế này cũng không được hợp lý vì Bộ đã cộng quá nhiều cho những bạn ở vùng miền, mà chưa biết thực lực của các bạn như thế nào và các bạn ấy có học thực sự không. Như thế thì sẽ rất là thiệt thòi cho những bạn cố gắng học thật lực bằng chính sức lực của mình.

Việc cộng điểm như thế thì em thấy cũng là cộng quá nhiều. Em thấy có rất nhiều bạn đi thi thì 2 bạn điểm bằng nhau, nhưng đến lúc cộng vào thì các bạn ấy lại hơn hẳn bạn kia từ 1 - 3 điểm, cho nên lại phải chạy đi rút hồ sơ như thế rất mệt mỏi”.

Chính sách cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực cho thí sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ nhiều năm nay. Chính sách này trở thành vấn đề được tranh luận dữ dội trong mùa tuyển sinh năm nay, do đây là năm đầu tiên các trường đại học, cao đẳng công khai chi tiết điểm thi thật và điểm ưu tiên của thí sinh trên website.

Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, phổ điểm thi của thí sinh cao, sự chênh lệch điểm thi giữa các thí sinh rất ít, nhưng khi cộng thêm điểm ưu tiên thì điểm xét tuyển tăng cao, làm thay đổi khả năng và cơ hội trúng tuyển của nhiều học sinh.

Thực tế danh sách trúng tuyển đợt 1 của một số trường top đầu cũng cho thấy, phần lớn thí sinh trúng tuyển đều được cộng điểm ưu tiên, số thí sinh ở khu vực 3 - khu vực không được cộng điểm ưu tiên chiếm rất ít, chỉ trên 10%.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường và một số chuyên gia cho rằng, chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thuộc đối tượng chính sách, thí sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số là chính sách đúng đắn, cần thiết và nhân văn nhằm tạo điều kiện để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo dục như nhau, đồng thời để đào tạo nguồn cán bộ cho các khu vực này.

Theo Phó Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), không thể “cào bằng”, hay đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng vì điều kiện sống, học tập, cơ sở vật chất… của thí sinh ở các vùng miền không bằng ở thành phố lớn. Trường hợp được cộng 3 điểm khuyến khích vẫn là hợp lý vì đây đều là thí sinh đã xuất sắc giành giải học sinh giỏi quốc gia.

“Trong một xã hội có sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng khác nhau. Có một số vùng bị thiệt thòi, ở đó các em thiếu thốn về ăn mặc, trường lớp, cơ sở học tập thiếu thốn, thầy giáo không hoàn toàn chuẩn mực, kinh tế khó khăn… nên sự học hành không được đảm bảo. Rõ ràng các em bị thiệt thòi, khi cộng điểm là chúng ta nhắm tới việc đó. Chỉ có điều là làm thế nào đúng đắn, cộng bao nhiêu điểm đến bao nhiêu điểm thì thôi, nhiều nhất là bao nhiêu điểm để hợp lý hơn”.

Dù khẳng định chính sách cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực là đúng đắn và cần thiết, nhưng lãnh đạo một số trường đại học cũng cho rằng, do cách thi cử thay đổi nên việc cộng điểm ưu tiên cũng nên có sự điều chỉnh hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến: “Có lẽ là chúng ta cũng nên xem xét, cân nhắc lại và điều chỉnh chế độ ưu tiên cộng điểm để đảm bảo việc công bằng hơn cho tất cả thí sinh, phù hợp với phát triển chung của kinh tế - xã hội cũng như giáo dục giữa các vùng miền. Bởi lẽ, việc khác biệt vùng miền dần dần cũng sẽ thu hẹp.

Bộ nên cho phép thí sinh cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất vào điểm của mình thay vì cho thí sinh cộng dồn tất cả các điểm ưu tiên. Như vậy thì vẫn đảm bảo được sự ưu tiên, và cũng đảm bảo công bằng hơn cho những thí sinh không được cộng điểm”.

Một số ý kiến khác cũng kiến nghị, về điểm ưu tiên giữa các khu vực có thể giảm xuống còn 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như trước đây, để khoảng cách điểm ưu tiên giữa khu vực 1 và khu vực 3 không quá lớn như hiện nay.

Việc cộng điểm khuyến khích cho các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia cũng nên điều chỉnh để tạo sự công bằng giữa các thí sinh./.

Minh Hường/VOV-Trung tâm Tin
 

Chia sẻ bài viết