1. Nhiều năm đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bà Bùi Thị Ngọc Điệp luôn phấn đấu trong công việc. Bà là một trong những cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015; bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2011-2015)...
Bà Bùi Thị Ngọc Điệp
Mặc dù làm được rất nhiều việc cho địa phương, trong đó, nổi bật là công tác an sinh xã hội nhưng bà lại cho rằng, những điều đó không đáng là bao so với những cá nhân khác. Là giáo viên về hưu, hiện nay, ngoài vai trò Bí thư Chi bộ ấp, bà còn đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Thủ Thừa.
Với khoản thù lao ít ỏi của mình, hàng năm, bà trích một phần hỗ trợ hội viên cựu giáo chức có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật,... Đó là chưa kể việc bà thường xuyên đạp xe đến từng hộ gia đình vận động xây dựng các công trình, chăm lo an sinh xã hội: Xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo, gần đây nhất là tặng quà tết trong tổ dân cư,...
Là thành viên của Câu lạc bộ Ông - bà - cháu thị trấn Thủ Thừa, bà có nhiều đề xuất, thay đổi nội dung, cách thức sinh hoạt nhằm thu hút các cháu thiếu nhi tham gia sinh hoạt. Mô hình này được UBND thị trấn Thủ Thừa đánh giá khá cao.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Kim Âu cho biết: Bà Điệp là người sống gương mẫu, có tình, có nghĩa. 5 năm qua, bà cùng chi ủy vận động người dân đóng góp trên 400 triệu đồng và hiến hơn 1.500m2 đất nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn; tặng 2.000 quyển tập, nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Hàng năm, bà vận động tặng 10 phần quà cho gia đình chính sách khó khăn và hỗ trợ trên 10 triệu đồng cho hoạt động vui chơi của thiếu nhi. Với sự đóng góp của bà, Chi bộ ấp 3 Nhà Thương đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2010-2015).
2. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nhiều năm qua, ông Đặng Văn Tuấn làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu đảng bộ địa phương. Bước sang năm 2017, chỉ còn vài tháng nữa là ông đến tuổi nghỉ hưu. Cống hiến cho Đảng và Nhà nước sau mấy chục năm, tâm trạng của ông có chút luyến tiếc khi sắp xa công việc, xa một tập thể gắn bó nhiều năm.
Ông Đặng Văn Tuấn
Năm 2016, Mỹ Lộc thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đảng ủy. Các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ xã sớm được thực hiện. Đến nay, xã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển; công tác huy động xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là những công trình xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được người dân đồng tình cao.
Đặc biệt, Mỹ Lộc đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; công tác xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên,... Nhiều thành tích của Đảng bộ không thể không kể đến vai trò của người đứng đầu. Tuy nhiên, ông Tuấn lại khiêm tốn cho rằng, tất cả những kết quả đó có sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền nên ra sức cùng địa phương thực hiện.
Với trách nhiệm của người đứng đầu Đảng ủy xã, ông Tuấn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tạo mối quan hệ gần gũi giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức xã và nhân dân. Bình thường, ông là người có lối sống giản dị, hòa đồng, vui vẻ với mọi người nhưng trong công việc, ông lại là người khá nghiêm khắc và đòi hỏi tính sáng tạo, hiệu quả, chính xác. Hiểu và thông cảm với những người làm việc tại ấp, cán bộ chuyên trách,... thù lao không nhiều nhưng ngược lại, áp lực công việc không nhỏ nên ông thường động viên, an ủi, tạo điều kiện cho họ làm tròn nhiệm vụ bên ngoài xã hội, chu toàn việc gia đình. Từ đó, tập thể xã có sự đoàn kết, thống nhất. Bản thân ông được nhiều người tín nhiệm.
Ông chia sẻ, năm 2017, Đảng ủy xã Mỹ Lộc đề ra nhiều chỉ tiêu về phát triển KT-XH, trong đó chú trọng cây rau màu vì đây là thế mạnh của địa phương, giúp cuộc sống người dân ổn định hơn. Riêng về công tác xây dựng Đảng, Mỹ Lộc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, phát triển đảng viên,...
3. Nhiệt tình, vui vẻ là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Phó Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An - Bùi Thị Út. Nhiều năm qua, bà Út luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và được mọi người yêu thương, kính mến.
Bà Bùi Thị Út
Bà Út cho biết, trước đây bà là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở một trường tiểu học của xã. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, bà được người dân trong ấp tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ. Khi nhận nhiệm vụ, bà chẳng gặp khó khăn gì vì suốt thời gian tham gia giảng dạy từng giữ chức vụ bí thư chi bộ trường. Trong công tác xây dựng Đảng, bà luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, bà cùng các đồng chí trong chi ủy chuẩn bị chu đáo về nội dung, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thanh Phong nhận xét: “Bà Út là đảng viên gương mẫu, luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân. Mọi việc của chi bộ, bà đều cùng các đồng chí trong chi ủy tham khảo ý kiến nhân dân rồi đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng, sau đó cùng triển khai thực hiện. Chính vì vậy, các phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,... đều được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ, tích cực hưởng ứng.
Đặc biệt, tuyến đường Đặng Ngọc Sương dài 1km đi ngang qua, ngoài vận động người dân trong ấp 3 tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu, bản thân bà còn hiến gần 200m2 đất, trị giá hàng trăm triệu đồng cùng Nhà nước láng nhựa con đường. Bên cạnh đó, bà còn gương mẫu đi đầu giúp người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; vận động người dân tham gia các khóa tập huấn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... Nhờ vậy, đời sống người dân trong ấp ngày càng được cải thiện, hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 4%.
“Công tác vận động quần chúng ở cơ sở muốn đạt hiệu quả cao phải luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, nếu làm một mình thì hiệu quả không cao nên chi bộ thường xuyên kết hợp Ban công tác Mặt trận ấp, Ban nhân dân ấp vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước,...” - bà Bùi Thị Út chia sẻ./.
Thanh Nga-Hữu Bằng