Tiếng Việt | English

11/08/2015 - 05:33

Công luận Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam

Là dân tộc yêu chuộng hòa bình đồng thời có lịch sử gắn bó lâu dài với Việt Nam, nhân dân Pháp luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh của công luận quốc tế đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thông qua việc bày tỏ sự ủng hộ, tình đoàn kết đồng thời triển khai các dự án giúp đỡ thiết thực các nạn nhân.

 

Ông Paul Fromonteuil, Chủ tịch Ủy ban 86 thuộc Hội Hữu nghị Pháp-Việt.

Cùng với vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam/dioxin của nạn nhân Trần Tố Nga đang diễn ra tại Pháp, một phong trào ủng hộ đang hình thành và ngày càng lan rộng trong nhiều tầng lớp người dân Pháp, trong các hội đoàn hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường, đòi các công ty hóa chất và giới chức Mỹ thừa nhận sai lầm trước đây, có những việc làm cụ thể nhằm hỗ trợ các nạn nhân về vật chất và tinh thần, trả lại họ quyền được sống trong phẩm giá.

Tại nhiều diễn đàn chính thức, các hội nghị, các buổi thuyết trình hoặc các dịp gặp gỡ, nhiều người bạn Pháp đã lên án việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh trước đây. Theo họ, việc làm đó đã vi phạm các công ước nhân đạo, trở thành cuộc chiến tranh hóa học đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Hành động đáng hổ thẹn đó cũng gây ra một thảm họa về sức khỏe con người và môi trường đối với Việt Nam. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng chất độc da cam/dioxin vẫn đang tiếp tục công việc hủy diệt thầm lặng khiến hàng triệu người dân Việt Nam bị bệnh tật dày vò và những đứa trẻ vô tội sinh ra trong các thế hệ thứ hai, ba và tư tiếp tục phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của loại hóa chất độc hại được biết tới với cái tên như bao loại hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp khác: chất khai quang, diệt cỏ.

Chất độc da cam, câu hỏi cho nền văn minh nhân loại

Theo ông Paul Fromonteil, Ủy viên danh dự vùng Poitou-Charentes, Chủ tịch Ủy ban 86 thuộc Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), vấn đề chất độc da cam không phải là một vấn đề của quá khứ mà là vấn đề của nền văn minh, bởi vì những tác hại khủng khiếp mà chất độc da cam gây ra đối với con người đang đặt ra vấn đề đối với nền văn minh nhân loại.


Phiên họp toàn thể nhân Ngày Hội đoàn nhằm kết nối các Hiệp hội hữu nghị và đoàn kết Việt-Pháp.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề một hội thảo, ông Paul Fromonteil đặt câu hỏi: Tại sao nước Mỹ lại cho mình quyền sử dụng một loại hóa chất như vậy trong chiến tranh nhằm tấn công vào các tế bào trong con người, gây ra những hậu quả khủng khiếp và những nỗi đau dai dẳng ? Tại sao khi các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiến hành vụ kiện, nước Mỹ đã bác đơn, từ chối bồi thường ? Và ông tự trả lời: Bởi vì nước Mỹ luôn đặt vấn đề tài chính và lợi nhuận lên chính cao hơn vấn đề con người trong khi lẽ ra, phải đảo ngược thứ tự này, có nghĩa là cần phải đặt vấn đề con người lên cao hơn các vấn đề tài chính.

Liên quan đến vụ kiện các công ty Mỹ do bà Trần Tố Nga đứng tên, ông Paul Fromonteil nói: “Vì những lý do nhân đạo, chúng ta cần phải đi đến cùng trong vụ kiện này. Việc đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam không chỉ liên quan đến Việt Nam, mà đây còn là đòi hỏi của xã hội văn minh trong đó mọi người có quyền được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được tôn trọng và được đối xử công bằng. Trong cuộc đấu tranh này, Hội hữu nghị Pháp-Việt luôn tham gia tích cực và đi bên cạnh nhân dân Việt Nam”.

Quan điểm này được ông Francis Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, chia sẻ: “Việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam là một tội ác chống lại nhân loại. Chúng ta không thể để lại một tội ác ở mức độ như vậy không bị trừng phạt. Bà Trần Tố Nga là một phụ nữ can đảm vì đã dám tiến hành vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện không phải cho riêng bà Nga mà là cho tất cả các các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi tìm được một giải pháp pháp lý cho các nạn nhân chất độc da cam”.

Ông Francis Gendreau tâm sự: “Tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam đã từ hơn 15 năm nay, bắt đầu từ những lần gặp gỡ và tiếp xúc với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Trong các cuộc gặp, bà luôn đề nghị chúng tôi làm hết sức để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề chất độc da cam. Chính vì vậy, Hội Hữu nghị Pháp-Việt chúng tôi đã tập trung tuyên truyền trong công luận và giới chức tại Pháp về vấn đề này. Chúng tôi đã tổ chức một hội nghị lớn tại Thượng viện vào năm 2005 về vấn đề chất độc da cam và đã xuất bản cùng năm đó cuốn sách “Chất độc da cam tại Việt Nam: Tội ác hôm qua, thảm kịch ngày nay” nhằm thu hút sự chú ý của công luận”.

(Còn tiếp)

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết