Tiếng Việt | English

06/05/2021 - 09:30

Công nghệ có phải là kẻ thù lớn nhất của các bậc cha mẹ?

Con cái chúng ta đang lớn lên trong kỉ nguyên công nghệ, được kết nối với cả thế giới chỉ qua vài cú “click” chuột. Cuộc sống ngày nay xuất hiện nguy cơ mới khi có những kẻ xấu luôn tranh thủ cơ hội và lỗ hổng trên Internet để tiếp cận và làm hại con cái của chúng ta.

Hầu hết chúng ta làm cha mẹ ngày nay đã không lớn lên trong thời đại công nghệ tiên tiến này. Với Internet luôn ở trong tầm tay và vào bất kỳ thời điểm nào, con cái chúng ta cũng đang lớn lên trong kỉ nguyên mới, được kết nối với cả thế giới chỉ qua vài lần “click” chuột. Và thế giới đầy rẫy những kẻ xấu luôn tranh thủ cơ hội và lỗ hổng trên Internet để tiếp cận với con cái của chúng ta. Tuy nhiên, có hai lưu ý quan trọng sau đây mà ba mẹ cần ghi nhớ để đảm bảo an toàn cho con khi truy cập mạng, đặc biệt là mạng xã hội.

1. Đặt những giới hạn phù hợp cho việc sử dụng công nghệ

Nên có những giới hạn được đặt ra trong mỗi gia đình đối với việc sử dụng công nghệ. Nếu không có một luật lệ gì cho việc này, thì con cái chúng ta sẽ không tự kiểm soát được thời lượng sử dụng chúng. Có những rủi ro khi lạm dụng Internet bao gồm các vấn đề về giấc ngủ, gây cản trở việc hoàn thành bài tập về nhà của con, mất thời gian tương tác với gia đình, giảm hoạt động thể chất (có thể dẫn đến béo phì) và thậm chí có khả năng dẫn đến “nghiện ngập”. Ba mẹ nên đưa ra một số những quy định như sau:

- Không đưa công nghệ vào phòng ngủ. Công nghệ bao gồm điện thoại thông minh, TV hoặc máy chơi game không được phép trong phòng ngủ của bất kỳ ai chưa phải là người lớn.

- Không đưa công nghệ vào bữa ăn. Điều này áp dụng cho cả cha mẹ và con cái. Đặt điện thoại của bạn vào trong phòng khác hoặc để chúng không bị nhìn thấy. Hãy để giờ ăn là thời gian để gia đình kết nối chứ không phải là lúc mà mọi người liên tục kiểm tra điện thoại hoặc nhìn chằm chằm vào TV.

- Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị. Đặt giới hạn cụ thể hàng ngày hoặc hàng tuần cho con bạn. Hãy cùng con thống nhất một khoảng thời gian mà cả hai cảm thấy thoải mái để kiểm soát thời lượng sử dụng công nghệ của con.

- Chịu hậu quả khi vi phạm các quy tắc đã được thống nhất liên quan đến công nghệ. Thông thường, hình phạt dễ nhất và hiệu quả nhất là lấy đi thời gian và / hoặc quyền truy cập vào một thiết bị nào đó của trẻ, nhưng hãy khéo léo để không làm ảnh hưởng tới tinh thần của con.

2. Thường xuyên trò chuyện và dành thời gian cho con

Trẻ em và thanh thiếu niên thiếu kinh nghiệm trong thế giới thực và lứa tuổi này thường vẫn còn ngây thơ. Con bạn luôn tin rằng chúng có thể xử lý mọi tình huống có thể xảy ra theo cách của mình. Nhưng sự thật là đứa trẻ nào cũng cần cha mẹ ở bên, bảo vệ và dẫn dắt.

Cha mẹ cần ngồi xuống và trò chuyện với trẻ, đặc biệt là trước tuổi vị thành niên và thiếu niên để thảo luận về những nguy cơ tiềm ẩn trên Internet, giúp con không gặp phải sai người trên mạng và tiếp xúc với chúng. Việc giải thích cho họ rằng ngoài kia có những người xấu có ý định hãm hại là điều thích hợp. Những người lạ này có thể tự miêu tả mình trên mạng như những người bạn cởi mở, sử dụng ảnh và bí danh giả để thu hút thanh thiếu niên tin tưởng họ. Công việc của của cha mẹ là nói chuyện với con về những nguy cơ đó và không hành động khi chưa có sự cho phép của cha mẹ.

Dưới đây là một số điều bạn nên thảo luận với lứa tuổi thanh thiếu niên để giúp ngăn chặn việc tiếp xúc với những người không chân thật.

- Những gì bạn đưa ra trên Internet sẽ mãi mãi ở đó. Kể cả với những bức ảnh, dù mọi thứ có thể bị xóa đi, nhưng tất cả đều được lưu lại trong dư luận, trong thế giới ảo ở trên đó.

- Cuộc sống đưa lên mạng xã hội là hình ảnh được lý tưởng hóa của một cá nhân. Mọi người, nói chung, chỉ đưa những phần tốt đẹp của họ lên mạng xã hội. Nó có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy ngưỡng mộ và yêu thích những con người đó. Họ cần hiểu rằng những gì họ thấy trên mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của người khác và nó hầu như luôn là phần tốt nhất.

- Viết ra cảm xúc trên mạng giúp bạn cởi mở dễ dàng hơn. Trong những khoảnh khắc nóng giận hoặc cảm xúc dâng trào mãnh liệt, người ta có thể gõ những thứ mà họ sớm hối hận sau đó. Dạy con bạn đặt thiết bị sang một bên nếu chúng muốn nói hoặc gõ một cái gì đó mà chúng sẽ hối tiếc. Nếu cần phải nói, có thể đợi vài phút hoặc vài giờ để cảm xúc lắng dịu, để lý trí và logic dẫn đường hơn là cảm xúc.

- Tình bạn trên mạng không thay thế được những mối quan hệ ngoài đời thực. Họ cần có những tương tác trực tiếp, thực sự với bạn bè để có những mối quan hệ ý nghĩa.

- Nói về quyền riêng tư. Chỉ vì điều gì đó đang xảy ra trong cuộc sống của mình không có nghĩa là toàn bộ thế giới hoặc tất cả bạn bè trên mạng xã hội cần biết về điều đó./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết