Tiếng Việt | English

18/04/2016 - 19:52

Công nghệ tưới tiết kiệm - giải pháp căn cơ ứng phó hạn hán

Vườn rau được trang bị hệ thống tưới nước tự động ở Quảng Ngãi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong điều kiện thiên tai hạn hán khắc nghiệt, nguồn nước tưới đang ngày càng cạn kiệt và trở nên quý giá hơn bao giờ hết, nhất là ở vùng “chảo lửa” Nam Trung bộ hiện nay. Song, không ít những vùng cát trắng xóa, vùng đồi đã được bao phủ màu xanh tốt, nông dân có thu nhập khá dù nắng hạn nhờ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Cả vườn măng tây, lạc, cà chua rộng 2,5ha của gia đình ông Hùng Ky, người dân tộc Chăm, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nằm trên vùng cồn cát phủ một màu xanh dưới giàn phun mưa đẹp mắt.

Trong khi ở vùng đất cát nắng gió này, hầu hết người dân phải bỏ sản xuất thì ông Ky mỗi năm thu hoạch, trừ chi phí thu lãi 300-400 triệu đồng. Đây là thành quả có được khi gia đình ông chinh phục được vùng đất khô hạn này.

Ông Hùng Ky cho biết, trước đây gia đình ông là hộ nghèo của xã. Sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, bởi đây là vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Để có nước sản xuất, ông Ky cũng như nông dân nơi đây phải khoan giếng lấy nước ngầm tại chỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hạn hán liên tục kéo dài, nguồn nước ngầm càng trở nên khan hiếm và cạn kiệt.

Thời gian trước, người dân nơi đây khoan giếng ở độ sâu 6-7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền. Nhưng vài năm gần đây phải khoan sâu tới 15-20m mới có nước, nhưng nguồn trong giếng cũng rất ít ỏi.

Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung bộ tại Ninh Thuận," ông Hùng Ky đầu tư 80 triệu đồng vào hệ thống tưới phun mưa cho vườn rau màu của gia đình.

“Hệ thống tưới này không chỉ giúp ông tiết kiệm được nhiều nước tưới, giảm 70% công lao động, giảm 50% phân bón mà năng suất lại cao gấp đôi.” - ông Ky cho biết.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho hay, với lợi ích và hiệu quả của hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, từ những mô hình như gia đình ông Ky, đến nay toàn xã An Hải đã có khoảng 150ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới này.

Đây là một trong những mô hình được nông dân Ninh Thuận ứng phó với hạn hán nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, đồng thời giảm chi phí đầu vào nhưng cây trồng vẫn tăng năng suất.

Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ở Việt Nam đã chứng tỏ tính ưu việt đột phá trong canh tác nông nghiệp so với phương thức truyền thống. Lợi ích cũng như hiệu quả của tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giờ không chỉ được quan tâm trên cây rau màu mà ngay cả đối với cây công nghiệp, chẳng hạn như cây mía, càphê, chè....

Một số cánh đồng trồng mía cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho tác dụng rất lớn và rõ rệt. Nếu so với năng suất trước khi áp dụng tưới nước nhỏ giọt bình quân mới đạt 45-50 tấn/ha thì khi được tưới năng suất tăng lên 80-95 tấn/ha. Đặc biệt, một số hộ năng suất bình quân vụ mía tơ đạt trên 150 tấn/ha.

Thấy rõ vai trò của nước tưới đối với cây mía, nhiều công ty, nhà máy đường đã tích cực áp dụng các biện pháp tưới bổ sung cho cây mía, như Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh…

Là tỉnh có quy mô phát triển mía đường lớn, sản lượng mía chiếm khoảng 25% cả nước và trên 50% khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa đã quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư các công trình phục vụ tưới cho cấy mía. Toàn tỉnh có 41 công trình phục vụ tưới cho cây mía với tổng diện tích được tưới là 2.680 ha, đạt khoảng 8% diện tích trồng mía; trong đó, có 228ha áp dụng công nghệ tưới tiên tiến thuộc vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn.

Hiện Thanh Hóa đang tập trung phát triển vùng mía nguyên liệu, đến năm 2020 đạt khoảng 25.800 ha và ổn định đến năm 2025, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của 3 nhà máy đường hiện có. Tỉnh cũng có khoảng từ 50%-70% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu được thâm canh và 5.000 ha mía vùng thâm canh được đầu tư hệ thống tưới công nghệ cao. Đồng thời, sử dụng giống có năng suất và trữ lượng đường cao góp phần đưa năng suất mía từ 61,7 tấn/ha (năm 2013) lên 90 tấn/ha (năm 2020) và 100 tấn vào năm 2025, chữ lượng đường trong mía bình quân đạt 12 CCS.

Theo ông Phạm Đức Luận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tỉnh này đang triển khai đầu tư dự án hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới mía cho 610 ha trên địa bàn 5 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Nông Cống, Thường Xuân và Như Thanh với kinh phí 110 tỷ đồng... bảo đảm nguồn cung cấp nước tưới ổn định phục vụ thâm canh mía, làm cơ sở áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Thanh Hóa cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các tổ chức để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây trồng chủ lực, tạo động lực cho việc áp công nghệ tưới công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm không những mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, tiết kiệm nước còn là giải pháp hữu hiệu, có tính căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra phức tạp và khó lường.

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 285.000ha mía với năng suất bình quân khoảng 66 tấn/ha, bằng 92% năng suất bình quân thế giới. Một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất mía ở Việt Nam còn thấp là hầu hết diện tích mía không có nước tưới bổ sung khi gặp hạn.

Hầu hết vùng nguyên liệu được trồng ở vùng đất đồi, bãi không được bảo đảm nguồn nước, nước tưới phụ thuộc vào nước trời. Trong khi kết quả nghiên cứu cho thấy, nước tưới là yếu tố quan trọng để năng suất mía. Nếu được tưới đầy đủ năng suất mía có thể tăng đến 50%-60% so với không tưới./.  

Bích Hồng/Vietnam+

Chia sẻ bài viết


cách tìm sim đẹp tại khosim.comDịch vụ Chống thấm Bình Dương in tem nhãn Công ty TNHH IN 3D THINKING Viet Nam Giá iphone 16 plus