Tiếng Việt | English

22/07/2023 - 10:51

Công nghiệp giảm sâu: Nhận diện những thách thức, thúc đẩy tăng trưởng

Để tận dụng tốt các FTA, thời gian tới Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá… nếu muốn xuất khẩu và được hưởng các ưu đãi thuế quan.


Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm - trong cả giai đoạn 12 năm từ 2011-2023.

Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu suốt 5 năm trở lại đây đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng - khi chỉ tăng có 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm nay.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến công nghiệp giảm sâu và những giải pháp để hỗ trợ các ngành xuất khẩu chủ lực trong những tháng cuối năm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đà hồi phục còn chậm

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Thế nhưng, bước sang năm 2023, toàn ngành công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng “âm” tới 6,3% ngay trong 2 tháng đầu năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%. Mặc dù đã có sự tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3, nhưng cũng chỉ đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phân tích, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, song trong 6 tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có sự sụt giảm đáng kể và cũng phục hồi rất chậm.

Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ôtô, điện tử, dệt may, da giày, sản xuất kim loại, thép… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu.

Khi quay đầu tăng trưởng dương từ tháng 3, nhiều nhận định cho rằng công nghiệp Việt Nam đã “thoát đáy” và khả năng sẽ sớm phục hồi, phát triển. Thế nhưng, cùng với khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 lên tới hơn 83% cho thấy vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam đã ở mức trên 50%. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp ngành da giày vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng đơn hàng cũng bị suy giảm. Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40% và một số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan…

Còn theo ông Huỳnh Công Tiến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn Tiến chuyên gia công các sản phẩm may mặc cũng cho hay, trong nửa đầu năm, tình hình đơn hàng rất khó khăn, nhiều lô hàng bị tồn chưa xuất đi được. 

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa

Đánh giá sự sụt giảm đơn hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc suy giảm đơn hàng dẫn đến suy giảm sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 là do nhu cầu tiêu dùng của thế giới sụt giảm mạnh trước các tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và xung đột chính trị giữa Nga-Ukraine…

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, tình hình khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các quốc gia. Từ đó, các quốc gia có thể sử dụng nhiều hơn các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước của mình và tạo ra tác động tiêu cực kép đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam...

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay, yêu cầu về vấn đề môi trường, phát thải đang trở nên rất cấp bách. Điều này đã thấy ngay trong trường hợp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày, khi mà các đơn hàng thì đã khan hiếm nhưng lại được dồn về những quốc gia đáp ứng được yêu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng.

“Trong trường hợp này chúng ta thấy Bangladesk là nước đã làm rất tốt. Chính vì vậy, thì kể cả thời điểm này ngành dệt may trên thế giới gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam, nhưng ở Bangladesk thì tăng trưởng hiện nay vẫn đang rất là tốt…,” ông Hải nêu ví dụ.

Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới. Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam-Anh (UKVFTA) - đều là các nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao, do vậy, để tận dụng tốt các hiệp định này, thời gian tới Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, môi trường, lao động… nếu muốn xuất khẩu và được hưởng các ưu đãi thuế quan theo đúng lộ trình đã cam kết.

Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc định hướng đầu tư cho các ngành công nghiệp mũi nhọn nâng cao giá trị, giảm dần việc gia công, tận dụng nhân công giá rẻ… là giải pháp lâu dài và quan trọng để giúp các ngành công nghiệp chủ lực đứng vững trước những biến động của nền kinh tế thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, quá trình công nghiệp hóa của nước ta trong thời gian vừa qua còn một số hạn chế có thể kể đến, như: Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; giá trị gia tăng thấp; chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nội lực của công nghiệp và nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp - đặc biệt là trình độ khoa học và công nghệ - còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra…

Với rất nhiều khó khăn hiện hữu của toàn ngành công nghiệp, những giải pháp đột phá để các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lấy lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng sẽ là mục tiêu quan trọng để mở rộng sản xuất và xuất khẩu, tạo động lực lớn hơn cho phát triển kinh tế đất nước./.

Đức Duy (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích