Tiếng Việt | English

09/06/2021 - 09:44

Cứ yên tâm đến với chúng tôi!

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, tỉnh ngày càng có nhiều quyết sách mạnh mẽ, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này góp phần tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An năm 2020 lên hạng 3. đây cũng là lợi thế để Long An thu hút đầu tư đối với các DN lớn trong và ngoài nước.

Nỗ lực cải thiện

 

Cứ yên tâm đến với chúng tôi, nếu những điều gì trong phạm vi chúng tôi quyết định thì chúng tôi sẽ giúp đỡ quý vị hết mình. Còn nếu gặp phải vướng mắc ngoài khả năng giải quyết của chúng tôi thì chúng tôi sẽ xách cặp theo hỗ trợ các anh giải quyết”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI năm 2020 của Long An đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm “Rất tốt” với 70,37 điểm, tăng 5 bậc và tăng 1,55 điểm so với năm 2019. Năm 2020, Long An có 7 chỉ số thành phần tăng điểm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước tăng điểm cao nhất, tăng 1,32 điểm; tiếp đến là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 1,17 điểm. Tuy nhiên, Long An có 3 chỉ số thành phần giảm điểm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Hỗ trợ DN; Thiết chế pháp lý và An ninh, trật tự.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND  tỉnh - Nguyễn Văn Được (bìa trái) tiếp đónnhà đầu tư tại buổi tọa đàm  “Định hướng phát triển vùng  kinh tế công nghệ cao” (ảnh tư liệu)

Theo Chủ tịch VCCI - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, kết quả PCI năm 2020 cho thấy, nhiều địa phương được DN đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. PCI xếp ở thứ hạng cao đồng nghĩa với việc lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động. Qua đó, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững ở địa phương.

Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Dầu Nhớt và Hóa chất miền Nam (MiennamPetro, Khu công nghiệp (KCN) Thịnh Phát, huyện Bến Lức) - Nguyễn Minh Tâm cho rằng, ngành nghề hóa chất rất kén chọn nơi sản xuất và nhiều địa phương từ chối tiếp nhận ngành nghề này. Tuy nhiên, khi đầu tư tại Long An, được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, nhất là hướng dẫn quy trình xử lý chất thải, tránh ô nhiễm môi trường nên Cty sản xuất ổn định, sản lượng bán ra thị trường năm sau cao hơn năm trước.

Là địa phương tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ đi miền Tây Nam bộ, Long An có nhiều thuận lợi và đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Toàn tỉnh được quy hoạch 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 3.100ha, 35 KCN với tổng diện tích hơn 11.000ha. Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Thành Thanh, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 KCN đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800ha, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê hơn 2.650ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.385ha, lấp đầy đạt 89,27%. Từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm trên 61ha. Tính đến nay, tỉnh có 1.664 dự án đầu tư trong các KCN (802 dự án FDI và 862 dự án DDI) với tổng số vốn đầu tư trên 4,8 tỉ USD và hơn 95.414 tỉ đồng.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu kinh tế tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng giải phóng mặt bằng và tình hình triển khai đầu tư hạ tầng thực tế tại các KCN và kế hoạch triển khai xây dựng của các chủ đầu tư hạ tầng KCN. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đẩy nhanh đầu tư hạ tầng để có ít nhất 3 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trong năm 2021.

Trong quá trình phát triển, Long An là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án K,CCN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, DN còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng; một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng. Trước những khó khăn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 720-KL/TU, ngày 29-3-2019 về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh. Từ khi có Kết luận 720, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Từ khi ban hành Kết luận 720 đến nay, đã bồi thường trên 1.036ha. Qua đó, tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư, DN thực hiện được nhiều dự án về giao thông, dự án phát triển công nghiệp.

Kỳ vọng về tương lai phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, những nỗ lực của chính quyền tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong thời gian qua được DN ghi nhận và đánh giá cao qua PCI. Đây là tiền đề tốt để tỉnh khắc phục những chỉ số có điểm số giảm, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì vị trí xếp hạng PCI của tỉnh luôn ở nhóm “Rất tốt”. Tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng DN, nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phát triển hài hòa, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, vai trò, trách nhiệm xã hội; đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa của cộng đồng DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, trình độ phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư tham quan một số dự án trọng điểm trên địa bàn Cần Giuộc (ảnh tư liệu)

Tháng 4-2021, UBND tỉnh tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Long An quy hoạch khu kinh tế với quy mô 32.000ha. Trong tương lai, đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam bộ. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An sẽ trình các bộ, ngành, Chính phủ xem xét. Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số KCN, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, Nam Tân Tập, Cầu cảng Phước Đông,...

Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục - thể thao; khu đô thị phụ trợ; KCN - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000ha (hơn 44%); đất công nghiệp, cảng biển hơn 5.800ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công, nông nghiệp công nghệ cao. Các ngành tiềm năng cao mà Khu kinh tế Long An hướng tới là điện tử thông minh, robot và tự động hóa, nông nghiệp tiên tiến và công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, hóa sinh, chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigontel - Đặng Thành Tâm tin rằng, tiềm năng to lớn của Khu kinh tế Long An sẽ là động lực tăng trưởng mới của tỉnh cũng như khu vực Đông Nam bộ và toàn miền Nam trong tương lai. Long An cũng như Khu kinh tế trong tương lai như “viên ngọc” bởi giàu tiềm năng về đất đai. Ông cũng khuyên Long An nên tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương để xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để “cọ rửa” viên ngọc. Một khi hạ tầng giao thông được đầu tư tốt, “viên ngọc” sẽ sáng, Long An từng bước đạt mục tiêu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà đầu tư cũng trao đổi nhiều về chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất,... Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được một lần nữa nêu quan điểm của lãnh đạo tỉnh khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước hài lòng: “Cứ yên tâm đến với chúng tôi, nếu những điều gì trong phạm vi chúng tôi quyết định thì chúng tôi sẽ giúp đỡ quý vị hết mình. Còn nếu gặp phải vướng mắc ngoài khả năng giải quyết của chúng tôi thì chúng tôi sẽ xách cặp theo hỗ trợ các anh giải quyết”./.

PCI xếp ở thứ hạng cao đồng nghĩa với việc lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Qua đó, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững ở địa phương”.

Chủ tịch VCCI - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc

Mai Hương

Chia sẻ bài viết