Tiếng Việt | English

07/07/2022 - 13:05

Củng cố, nhân rộng các mô hình giữ gìn an ninh, trật tự

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) tỉnh Long An đã nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Nhiều mô hình được cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị đồng tình, triển khai, thực hiện.

Hệ thống camera an ninh được lắp đặt, nhân rộng tại các địa phương

Hệ thống camera an ninh được lắp đặt, nhân rộng tại các địa phương

Sau thời gian thực hiện, các mô hình được sơ kết, đánh giá để có sự sàng lọc. Những mô hình hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, địa bàn sẽ được củng cố và duy trì, phát huy, nhân rộng. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, có nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT được duy trì. Nổi bật là các mô hình: Đội Honda khách phòng, chống tội phạm; Cổng ANTT; Tiếng loa ANTT; Ánh sáng ANTT; Camera giám sát ANTT; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới; Phối hợp tuần tra gắn với chốt chặn phòng, chống tội phạm; Zalo tuyên truyền pháp luật, tố giác tội phạm;... Năm 2021, tỉnh có 2 mô hình nổi bật là 5 lực lượng cùng quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học được Bộ Công an đánh giá cao.

Theo Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, các mô hình trở thành "cánh tay nối dài" đắc lực giúp phát hiện, bắt giữ tội phạm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua các mô hình, lực lượng công an tiếp nhận nhiều tin báo của người dân về tình hình ANTT, tố giác tội phạm. Những mô hình còn là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hữu ích, nhanh chóng.

Ngoài ra, tham gia các mô hình, người dân đã nâng cao ý thức, tích cực tố giác, bắt giữ tội phạm, tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp tại cộng đồng dân cư, từ đó ngăn ngừa phát sinh khiếu kiện. Các mô hình còn có tác dụng rất tốt trong việc răn đe, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Khi tham gia mô hình phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT, người dân cũng tích cực vận động, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đơn cử, mô hình 5 lực lượng cùng quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư đã giáo dục tiến bộ gần 90 người.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Đinh Văn Sáu, thông qua các mô hình phòng, chống tội phạm, BVANTQ đã tập hợp khối đoàn kết trong nhân dân để chung tay giữ vững ANTT tại địa bàn. Các mô hình cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và phát hiện, tố giác tội phạm để giữ gìn bình yên địa bàn. Từ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người dân, nhiều vụ việc gây mất ANTT được giải quyết nhanh chóng, kịp thời ngay tại cơ sở.

Trong khi đó, tại địa bàn huyện Bến Lức, thời gian qua đã triển khai xây dựng, thực hiện nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT gắn với an ninh công nhân, các khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ. “Các mô hình được các doanh nghiệp, người dân đồng tình hưởng ứng. Để bảo đảm tình hình ANTT ở địa bàn, nơi tiếp giáp với TP.HCM, cửa ngõ miền Tây, huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả” - Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi chia sẻ.

Thông tin từ Công an tỉnh, riêng năm 2021, người dân đã cung cấp 6.786 nguồn tin liên quan đến ANTT, trong đó có 5.598 nguồn tin có giá trị về lĩnh vực ANTT, giúp lực lượng công an làm rõ, xử lý 1.333 vụ, 3.143 đối tượng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực ANTT; người dân trực tiếp tham gia bắt 48 vụ, 68 đối tượng phạm tội quả tang, có hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản, bàn giao đối tượng cho công an xử lý.

Gần đây, tại hội nghị về phong trào TDBVANTQ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho rằng, trong thực hiện phong trào, các cơ quan, đơn vị, địa phương có sự chủ động trong thực hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt những kinh nghiệm, đổi mới quản lý, điều hành trong xây dựng, thực hiện phong trào TDBVANTQ; trong thực hiện phải thực chất, hiệu quả và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền công tác BVANTQ bằng nhiều hình thức phong phú, nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu quả với từng địa bàn, khu vực và phát huy tốt hơn nữa vai trò của người dân trong bảo đảm ANTT tại địa bàn. Mặt khác, thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết