Tiếng Việt | English

09/02/2017 - 15:48

Giây phút hãi hùng của 14 người khi cano lật giữa biển đêm

Nhờ ánh đèn yếu ớt từ 2 chiếc điện thoại còn giữ lại được mà nhóm du khách 14 người đã được tàu cá của ông Huỳnh Văn Lâm đi ngang cứu sau hơn 40 phút lênh đênh giữa biển đêm.

Nhóm du khách đã an toàn trên tàu của Đồn Biên phòng Nam Du - Ảnh Đồn Biên phòng Nam Du cung cấp
Là chủ tàu đã cứu được 14 người đang trôi dạt trên biển sau khi chiếc cano chạy từ đảo Hòn Ngang (huyện Nam Du, Kiên Giang) về Rạch Giá bị lật, ông Huỳnh Văn Lâm (43 tuổi, ngụ xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải) xúc động nói có lẽ phải cảm ơn “trời phật” phù hộ nên ông mới quay mũi tàu, vớt được cả 14 người trên biển đêm mịt mùng.

Quay đầu vì nghi ngờ có ánh đèn giữa biển

Ông Huỳnh Văn Lâm - chủ tàu lưới ghẹ kể lúc đó vào khoảng 20h tối 8-2, ông đang trên đường cho tàu quay về bờ ở Hòn Mấu để nghỉ.

Khi chạy gần vào đến bờ, ông mới chợt nhớ ra lúc ngang hòn Sơn (xã Lại Sơn) thì hình như có thấy ánh đèn mờ mờ sát mặt biển nhưng đã bỏ qua. Ông bèn hỏi lại các anh em trên tàu xem có ai nhìn thấy thứ ánh sáng đó như mình hay không.

Trên tàu lúc đó có khoảng 5 người, nhưng người nói có, người nói không.

Để chắc ăn, ông Lâm vẫn cho tàu quay trở lại khu vực nghi ngờ. Rất may, khi tàu chạy gần đến nơi, ông vẫn thấy thứ ánh sáng yếu ớt vẫn còn lấp lóe trên mặt biển.

Ông Lâm phỏng đoán chắc là có người đi tàu cá bị rớt xuống biển. Không ngờ khi tới nơi, mọi người bất ngờ khi phát hiện tới 14 người, trong đó chỉ có 12 người mặc áo phao đang bám vào chiếc ca nô bằng nhựa Composite đã bị lật úp.

Ông Lâm và những thuyền viên vội tìm cách vớt 14 người gặp nạn đưa lên tàu. Các thuyền viên cũng nhảy xuống biển, cột dây định kéo chiếc ca nô về bờ nhưng không ngờ chiếc tàu quá cũ kĩ, cột chỗ nào kéo nhẹ cũng đều bị bể bung ra từng miếng.

Thấy vậy, ông Lâm đành chở nhóm khách gặp nạn về nhà mình ở Hòn Mấu. Sau đó, nấu cháo cho mọi người ăn uống, nghỉ ngơi rồi thông báo để Đồn Biên phòng Nam Du cho tàu tới đón họ về đảo An Sơn.

“Lúc vớt lên, ai cũng mừng rơi nước mắt. Mấy chị phụ nữ cứ khóc ngất rồi vái lạy bốn phương đã cho mình sống sót. Tui thì mừng lắm vì cứu được người gặp nạn. Có lẽ trời phật phù hộ nên tui mới quay tàu lại, chứ chạy luôn vô bờ chưa biết sẽ ra sao” - ông Lâm bồi hồi nói.

Đảo Lại Sơn nằm giữa quần đảo Nam du và đất liền - Ảnh: dulichkiengiang
40 phút hãi hùng trên biển

Bà Tô Thuý Hoa (55 tuổi), là du khách lớn tuổi nhất trong nhóm du khách 11 người từ huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đi du lịch ra đảo Nam Du cho hay cũng vì mình bị gãy ngón tay áp út mà cả đoàn mới đặt mình vào tình huống nguy hiểm.

Anh Nguyễn Long Tuyền (29 tuổi), đi cùng nhóm khách du lịch cho biết lẽ ra nhóm của mình mua tour đi 2 ngày 1 đêm, tức dự kiến sáng 10-2 mới rời đảo Nam Du về lại đất liền.

Tuy nhiên, do thấy ngón tay của bà Hoa bị dập gãy khá nghiêm trọng, sợ bị nhiễm trùng nên cả đoàn quyết định về ngay trong đêm tối.

Trong đoàn 12 người gồm 3 nam, 4 nữ (kể cả người tự nhận là “hướng dẫn viên”) chỉ có 4 người biết bơi, còn lại 8 người không biết bơi. Cho nên lúc vừa lên ca nô, mọi người đều bảo nhau mặc áo phao.

Do thấy nhiều người từng thuê ca nô về đất liền nên cả đoàn đều chủ quan, cho rằng ca nô sẽ an toàn.

Rời đảo Hòn Ngang thuộc xã đảo Nam Du khoảng hơn 7 hải lý thì sóng bắt đầu nổi lên. Lúc này trên ca nô ai cũng hoảng hốt, nghiêng ngả khiến ca nô mất thăng bằng rồi lật úp.

Toàn bộ tư trang, đồ đạc của mọi người đều mất hết, thứ quan trọng nhất là điện thoại di động cũng chỉ còn 2 cái sáng màn hình.

"Tụi tôi quyết định nắm chặt tay nhau, động viên nhau rằng sẽ không chết được đâu rồi dùng nguồn sáng yếu ớt của 2 chiếc điện thoại còn sống sót để làm tín hiệu cầu cứu. Trôi hơn 40 phút trên biển, có lẽ đây sẽ là khoảnh khắc hãi hùng nhất đời tôi” - anh Tuyền xúc động kể lại.

Sáng 8-2, một nhóm du khách gồm 12 người từ TP Rạch Giá đi tàu khách ra tham quan đảo Nam Du (thuộc xã đảo Nam Du, cũng của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang).

Trong lúc thuê xe máy đi vòng quanh đảo, một du khách nữ trong nhóm không may bị tai nạn dập ngón tay.

Khoảng gần 19h cùng ngày, nhóm du khách quyết định thuê một chiếc ca nô để đưa người bị thương vào đất liền chữa trị. Toàn bộ 11 người còn lại cũng thu xếp về chung.

Khi ca nô chạy cách đảo Lại Sơn khoảng 10km thì bị sóng đánh lật úp. Đến khoảng 20h, trong lúc 14 người đang trôi dạt trên biển thì được chiếc tàu đánh lưới ghẹ đi ngang phát hiện và cứu sống.

 Khoa Nam/tuoitre online

Chia sẻ bài viết