Tiếng Việt | English

11/02/2021 - 07:10

Đậm vị món ăn truyền thống

Nhắc đến món ăn ngày tết miền Nam, hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho tàu và canh khổ qua hầm. Đây là những món ăn quá đỗi thân thuộc nhưng “không có là không được”. Mấy ngày xuân, trong bếp mà không có những món này thì thấy như thiếu chút gì đó rất thân thương.

Nhắc đến món ăn ngày tết miền Nam, hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho hột vịt, canh khổ qua hầm

Nhắc đến món ăn ngày tết miền Nam, hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho hột vịt, canh khổ qua hầm

Chẳng biết thịt kho tàu có từ lúc nào nhưng các bà, các mẹ miền Nam ai cũng biết làm món ăn này. Đặc trưng của món thịt kho tàu là dù có hâm đi, hâm lại cả tuần liền thì vẫn ngon, càng ăn nước thịt càng sánh, thịt càng thơm mềm! Nghe nhiều cụ cao niên kể, trước đây, khi chưa có tủ lạnh, điều kiện bảo quản thức ăn còn hạn chế, những ngày tết, chợ quê cũng không họp nên người ta thường mua nhiều thịt về kho để dùng dần.

Thịt heo kho tàu phải là thịt ba rọi, vừa có nạc, vừa có mỡ và da. Thịt mua về rửa sạch, cắt miếng vuông to, được ướp kỹ cùng gia vị, tỏi, ớt, nước mắm và chút ít nước màu. Thịt được kho dưới lửa riu riu, thấm vị nước dừa thanh ngọt, khi hoàn thành sẽ có màu cánh gián đẹp mắt, giữ được cái dai dai của da, quyện cùng lớp mỡ và thịt tơi mềm đậm đà. Hột vịt kho cùng thịt càng nấu kỹ lại thì càng ngon, lòng trắng chuyển nâu săn lại, lòng đỏ cứng và thấm vị như trứng muối, hương vị thật đậm đà.

Nói đến món ngon ngày tết, ngoài thịt kho thì cũng không được bỏ lỡ canh khổ qua hầm. Người miền Nam thật thà, chất phác, ước mơ cũng rất đỗi bình dị và mộc mạc, nếu như với nồi thịt kho tàu, miếng thịt vuông, hột vịt tròn hòa quyện thể hiện mong ước tròn đầy, trọn vẹn; hay mâm ngũ quả có “cầu - dừa - đủ - xoài” thì “khổ qua” cũng mang ý nghĩa về niềm tin trong năm mới, mọi khổ đau, vất vả sẽ qua đi và đón nhận những điều bình an, may mắn.

Nấu canh khổ qua nhồi thịt không cầu kỳ, món ăn này cũng có thể trữ được vài ngày. Thịt heo bằm với ít mỡ, có thể trộn thêm bún tàu, nấm mèo rồi ướp gia vị. Trái khổ qua bỏ ruột, sau đó nhồi nhân thịt vào, chờ nước sôi rồi thả vào đợi chín, nêm nếm vừa ăn, thêm chút tiêu, hành, ngò là đã có tô canh hấp dẫn. Muốn nước dùng đậm đà hơn, có thể hầm nước xương để nấu, bảo đảm hương vị càng thanh ngọt, thơm ngon hơn rất nhiều. Nói đơn giản vậy thôi chứ cũng phải có chút “mẹo” để trái khổ qua chín mà vẫn có màu xanh đẹp mắt, đó là không đậy nắp, hớt bọt kỹ để nước dùng trong.

Còn nhớ, ngày nhỏ, nhà khó khăn nhưng mẹ vẫn bảo đảm tết năm nào cũng phải có nồi thịt kho hột vịt, mỗi lần thấy mẹ ướp thịt là con trẻ đã chộn rộn, nôn nao. Lớn lên, đi học xa nhà, cuối tuần về là mẹ nấu thêm nồi thịt cho con đùm túm mang theo. Ở trọ một mình, xa nhà, xa cha mẹ, ăn cơm với thịt mẹ gửi theo nhưng lại thấy buồn, vẫn là hương vị mẹ nấu nhưng cảm giác ăn một mình thì không thể nào trọn vẹn như dùng bữa cơm chung với gia đình.

Ngày tết, sau khi cúng ông bà, tổ tiên, cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm với đầy đủ món ngon mẹ nấu, còn hạnh phúc nào hơn! Chan một ít nước thịt vào cơm, gắp miếng dưa kiệu chua ngọt, cắn miếng thịt mỡ tan trên đầu lưỡi rồi húp chén canh khổ qua nóng hổi, mâm cơm với đủ sắc - hương - vị hòa quyện, rồi cùng trò chuyện rôm rả, hỏi thăm chuyện gần xa với ông bà, cha mẹ. Vậy đó, tết năm nào thì cũng như nhau, món ăn năm sau cũng như năm trước, thế nhưng ngày xuân chỉ thực sự trọn vẹn khi được sum vầy bên những người thân yêu!

Ngân Phạm

Chia sẻ bài viết