Hát về cây lúa hôm nay
Long An có 80% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh có nhiều đột phá về nông nghiệp. Dấn ấn lớn chính là chương trình “Tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười” (ĐTM) và mở đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay). Chương trình này được vạch hướng chiến lược từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (năm 1980), trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội III, IV, V, tỉnh dồn sức, tập trung cho việc khai mở ĐTM.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1938) - nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng, hồi tưởng: “Trước đây, ĐTM rất hoang sơ, mùa khô nắng cháy cả đồng, mùa mưa lũ về ngập nước trắng xóa. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80, đất hoang hóa rất nhiều, thiếu nước ngọt trầm trọng. Hầu hết nông dân chỉ canh tác được 1 vụ lúa/năm với năng suất thấp, bấp bênh. Đất rộng, người thưa, kết cấu hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp,...”.
Sản xuất lúa sạch ở Ðức Huệ
ĐTM trở thành vựa lúa lớn sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Chương trình khai thác vùng ĐTM từ năm 1985-1995. Theo đó, tỉnh tập trung khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển thủy lợi, giao thông, tạo điều kiện chuyển từ 1 vụ lúa dài ngày phụ thuộc vào thiên nhiên sang làm lúa ngắn ngày, thâm canh, tăng vụ. Từ đó, thay đổi tập quán sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống người dân. Từ những năm 1996 đến nay, tiếp tục đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, khoa học - kỹ thuật, ĐTM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, năng suất lúa ngày càng tăng. “Những thay đổi ở vùng ĐTM làm cho người dân an tâm sản xuất, an cư, lạc nghiệp. Từ vùng bưng trấp, nay có những khu đô thị sầm uất, chợ đông đúc, điện, đường, trường, trạm được đầu tư,... Điều này cho thấy, sức vươn lên mạnh mẽ của nông dân ĐTM” - ông Tám Liêm phấn khởi chia sẻ.
Hiện, diện tích trồng lúa hàng năm của vùng ĐTM - Long An gần 400.000ha, sản lượng trên 2 triệu tấn, chiếm hơn 2/3 sản lượng cả tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Vùng ĐTM trở thành vùng lúa chiến lược, có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là nâng cao giá trị thương hiệu, khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh. Ngoài ra, Chương trình Dân sinh vùng lũ (1 trong 4 chương trình trọng điểm của Đại hội VII Ðảng bộ tỉnh) cũng góp phần hình thành những cụm, tuyến dân cư vượt lũ - những khu dân cư tập trung ở giữa ĐTM, tạo diện mạo mới cho nông thôn nơi đây.
Hiện nay, ĐTM là địa bàn chính triển khai 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Đại hội X Ðảng bộ tỉnh xác định, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no, sung túc hơn cho nông dân.
Cải tiến phân phối, lưu thông
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (năm 1983) đề ra mục tiêu xóa cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, đẩy mạnh cải tiến phân phối, lưu thông. Điều này thể hiện sự năng động của tỉnh, đi đầu cả nước trong đột phá giá - lương - tiền, thực hiện cơ chế một giá. Từ đó, đóng góp thêm cơ sở thực tiễn cho đường lối đổi mới kinh tế của Đảng sau này.
Bốc xếp hàng ở Cảng Bourbon, huyện Bến Lức
Quyển “Truyền thống ngành Tài chính Long An 1961-2005” được Sở Tài chính xuất bản năm 2005 đánh giá: “Trong giai đoạn 1981-1985, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, ta phải tiếp tục thực hiện cải tiến công tác phân phối, lưu thông nhằm phát huy tác dụng của nó đối với quá trình sản xuất, xóa dần công tác quản lý theo hình thức quan liêu, bao cấp sang quản lý theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa”. Địa chí Long An do Thạch Phương - Lưu Quang Tuyến chủ biên, xuất bản năm 1989 cũng ghi nhận: “Việc thực hiện chế độ một giá đã xóa bỏ được những nhu cầu giả tạo trong các đối tượng được hưởng chế độ phân phối trước kia thời bao cấp, xóa bỏ được khâu sổ sách rườm rà, khâu xét duyệt tem phiếu, giải phóng hàng trăm cán bộ chuyên lo việc cấp phát, chuyển họ sang làm việc khác, làm lợi cho ngân sách nhà nước hàng triệu đồng mỗi năm. Những hiện tượng tiêu cực trong khâu phân phối cũng giảm hẳn. Văn minh thương nghiệp từng bước được thực hiện và được quần chúng hoan nghênh, ủng hộ”.
Đây chính là đột phá hết sức quan trọng, tiền đề cho cơ chế thị trường vận hành sau này; đồng thời là điểm son thể hiện bản lĩnh, sự đột phá sáng tạo của Đảng bộ Long An.
Sắc màu nông thôn mới
Từ sức bật nông nghiệp, nhất là ở vùng ĐTM, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được nâng lên. Chương trình đột phá xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đại hội IX (nhiệm kỳ 2010-2015) tiếp thêm động lực, nguồn lực thay đổi đời sống và diện mạo nông thôn. Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh - Tô Ngọc Xuân cho biết: “Tính đến nay, toàn tỉnh có 58 xã được công nhận xã NTM”. Từ kết quả này, diện mạo nông thôn điểm xuyết nhiều nét đổi mới, no ấm; tương ứng với 19 tiêu chí, nhiều xã NTM thay da, đổi thịt trên nhiều lĩnh vực, chất lượng đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần được nâng lên.
Ông Đỗ Hữu Thọ, ngụ ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, cảm nhận: “Đổi thay lớn nhất ở huyện Châu Thành đang trong lộ trình xây dựng huyện NTM là từ đường đất gồ ghề, trơn trợt trở thành đường nhựa, đường bêtông rộng rãi, được thắp sáng, vào tận vùng sâu. Đời sống người dân được nâng lên; nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, người dân quan tâm chuyện học tập của con em. Từ một xã bãi ngang nghèo, nay, 100% hộ dân Thanh Vĩnh Đông có điện, nước sử dụng”.
Thanh long Châu Thành
Trên đà phát triển, các xã đang củng cố, nâng chất NTM theo bộ tiêu chí mới; kế hoạch trong năm 2017, có thêm 8 xã NTM; đến năm 2020, có trên 50% xã đạt chuẩn NTM. Riêng huyện Châu Thành phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM, dự kiến năm 2018.
Đường lớn đã mở…
Mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM nhưng kinh tế Long An vẫn nặng về nông nghiệp, sản xuất nhỏ, lẻ nên đời sống người dân còn khó khăn. Do vậy, Tỉnh ủy chủ trương thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thúc đẩy kinh tế vươn lên,... Chương trình xây dựng vùng kinh tế trọng điểm là 1 trong 4 chương trình trọng điểm của Đại hội VII (nhiệm kỳ 2001-2005). Chương trình này tập trung phát huy tiềm năng 4 huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, biến những vùng bưng biền, đồng lúa có năng suất thấp thành các khu, cụm công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước đến đầu tư. Đến nay, tỉnh có 28 khu, 34 cụm công nghiệp. Phần lớn khu, cụm công nghiệp và DN hoạt động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, Chương trình Giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và Chương trình Phát huy nguồn nhân lực của Đại hội VII đột phá và đặt nền móng hết sức quan trọng cho công tác an sinh xã hội, phát huy nguồn lực con người; từ đó, đáp ứng nhu cầu lao động cho DN và chuẩn hóa trình độ của cán bộ, công chức, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI, xây dựng NTM sau này.
Cầu Bo Bo trên đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh
Tư duy đột phá tiếp tục được các Đại hội VIII, IX kế thừa, phát huy; Nghị quyết Đại hội IX đề ra 4 chương trình đột phá và 9 công trình trọng điểm. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; cùng với các công trình đánh thức tiềm năng: Đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh và đường N1 - Quốc lộ 62 - Đường tỉnh 819 (cặp kênh 79) - biên giới Campuchia, để lại dấu ấn to lớn trong bức tranh phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh nhà. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trần Công Thành nhận xét: “Trong các chương trình đột phá của tỉnh thì Chương trình Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là hiệu quả, được tỉnh quan tâm đầu tư. Kết nối hạ tầng giao thông thuận tiện mang lại nhiều yếu tố quan trọng nhất để dễ dàng kêu gọi, thu hút mạnh đầu tư. Điển hình như Cần Giuộc, khi giao thông được mở rộng thì có nhiều nhà đầu tư đến với vùng hạ của huyện.
… Đi tới tương lai
Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của tình hình mới, Đại hội X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nền tảng đảm bảo phát triển nhanh và bền vững”. Đại hội này tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả các chương trình của đại hội trước, đề ra 2 chương trình đột phá: Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh chọn 2 mảng giao thông và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm mũi nhọn đột phá; đồng thời, chọn công trình trọng điểm là 3 công trình giao thông: Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập), đường Vành đai TP.Tân An và trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay) đoạn qua thị trấn Tân Thạnh
Hiện nay, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Ðảng bộ tỉnh đang dần hiện diện trên thực tế, kết nối, vươn tới ước mơ phát triển nhanh, bền vững của tỉnh nhà./.
Kim Quy