Tiếng Việt | English

10/07/2023 - 10:35

Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai

Bức tranh dân số (DS) thế giới trên 8 tỉ người hiện nay được tạo nên từ 2 mảnh ghép hoàn hảo, đó là sự kết hợp giữa DS nam và nữ. Hiện nay, DS nữ chiếm gần 50% DS toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy nghĩ trước thực trạng được thể hiện qua vài con số: Trên 40% phụ nữ (PN) trên thế giới không thể tự quyết định về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và các quyền về sức khỏe sinh sản của mình; cứ 2 phút lại có một PN tử vong khi mang thai hay trong lúc sinh nở (ở những khu vực có xung đột thì con số tử vong này cao gấp đôi); còn nhiều PN bị bạo lực; trên 2/3 trong số 800 triệu người không biết đọc trên toàn cầu là PN và chỉ có 6 quốc gia có 50% hay trên 50% thành viên Quốc hội là PN;...

Theo Quỹ DS Liên Hợp Quốc (UNFPA), nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới (BĐG). Bất BĐG làm trầm trọng nguy cơ PN và trẻ em gái bị tổn thương do bạo lực; tăng nguy cơ tử vong khi mang thai và sinh đẻ do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được. Điều này sẽ làm cho con người trên hành tinh, chứ không chỉ riêng PN và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn.

Do vậy, Ngày DS Thế giới 11/7/2023 là dịp để UNFPA tiếp tục thực hiện những nỗ lực bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là PN và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn. UNFPA đã đưa ra chủ đề: “Phát huy sức mạnh của BĐG: Nâng cao tiếng nói của PN và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

UNFPA khẳng định trong Báo cáo tình trạng DS năm 2023, khi PN và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ thành đạt.

Nhân Ngày DS Thế giới năm 2023, UNFPA nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy BĐG để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của trên 8 tỉ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của PN, trẻ em gái và những người yếu thế; xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Xã hội và cộng đồng sẽ mạnh mẽ và lành mạnh hơn khi PN và trẻ em gái được quyền quyết định về việc lập gia đình và thời điểm kết hôn theo mong muốn của mình.

UNFPA nhấn mạnh thông điệp: Đầu tư vào BĐG hôm nay là đầu tư cho tương lai chung của chúng ta. Trao quyền cho PN và trẻ em gái sẽ góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mọi người có thể phát huy đầy đủ tiềm năng cá nhân. Đồng thời, tăng cường BĐG là các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực thi quyền con người ở mức độ cao nhất có thể.

Hưởng ứng Ngày DS Thế giới 11/7, từ ngày 01 đến ngày 31/7/2023, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, tập trung vào công tác truyền thông. Mục đích là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Từ đó, tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thành mục tiêu về công tác DS trong tình hình mới mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Công tác truyền thông tập trung tuyên truyền các nội dung về Luật Hôn nhân Gia đình, Luật BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm BĐG, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện BĐG. Tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của PN và trẻ em gái và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về BĐG, không lựa chọn giới tính thai nhi; nêu cao vai trò, vị trí của PN trong gia đình và xã hội; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng BĐG để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển.

Theo Tổng cục Thống kê, vào trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có quy mô DS 100 triệu người. Đây là cơ hội để nước ta phát triển KT-XH, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ về già hóa DS trong tương lai. Dự báo, người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và 26,10% vào năm 2049.

Do vậy, bên cạnh tuyên truyền về BĐG, chúng ta cần phát huy lợi thế “dân số vàng” và đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề già hóa DS, biến nguồn lực con người thành “sức mạnh mềm” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Tân An

Chia sẻ bài viết