Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 09:19

Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm

Thời gian qua, ngành chức năng luôn chú trọng thanh, kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Long An. Từ đó, số vụ vi phạm về ATTP và số ca ngộ độc thực phẩm giảm dần qua từng năm. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc của ngành chức năng, trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn.

Công tác thanh, kiểm tra luôn được chú trọng

Công tác thanh, kiểm tra luôn được chú trọng

Siết chặt quản lý

 Hiện toàn tỉnh có gần 7.400 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý. Hàng năm, các đoàn liên ngành, chuyên ngành ATTP từ tỉnh đến xã tổ chức thanh, kiểm tra trong Tháng hành động Vì ATTP; trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến ATTP được triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến, trong quá trình thanh, kiểm tra, ngoài việc kiểm tra về thủ tục hồ sơ pháp lý, giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ, hợp đồng cung cấp suất ăn, chứng từ nguyên liệu thực phẩm và nguồn nước dùng trong sản xuất, chế biến,... các đoàn còn chú trọng kiểm tra điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người và quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm; hạn sử dụng, cách bảo quản và nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm dùng trong sản xuất, chế biến; việc lưu mẫu thức ăn, sàn nhà bếp, hệ thống xử lý nước thải, quy định về bảo hộ lao động. Đây là hoạt động nhằm kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về ATTP, hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Năm 2020, ngoài tiến hành kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt, đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thanh, kiểm tra theo chuyên đề về ATTP đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (xiên que, trà sữa, bánh tráng trộn, thức ăn nhanh, cháo dinh dưỡng, thực phẩm chay,...).

9 tháng năm 2020, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 223 cơ sở, trong đó có 181 cơ sở đạt, 7 cơ sở vi phạm về ATTP và bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 23,4 triệu đồng, hiện còn 35 cơ sở chờ xử lý (do chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm). Đối với tuyến huyện, thành lập 41 đoàn thanh, kiểm tra và tuyến xã thành lập 360 đoàn tổ chức thanh, kiểm tra 5.552/6.627 cơ sở quản lý, trong đó có 920 cơ sở vi phạm (nhắc nhở 877 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 43 cơ sở, với số tiền 64,9 triệu đồng).

Những vi phạm của các cơ sở trong quá trình thanh, kiểm tra là do buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm mà có ít nhất một trong các chỉ tiêu ATTP không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của pháp luật tương ứng; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; nơi chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cống, rãnh thoát nước thải bị ứ đọng.

Ông Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATTP, thường xuyên vệ sinh cơ sở sạch sẽ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, còn một số cơ sở chưa xuất trình giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hóa đơn, chứng từ nguyên liệu thực phẩm và giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Đoàn kịp thời nhắc nhở và lấy các mẫu nguyên liệu, phụ gia, nguồn nước chế biến,... để kiểm nghiệm. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm về ATTP theo quy định. Kết quả xử lý sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Bảo đảm an toàn thực phẩm từ bếp ăn tập thể cho công nhân, lao động đóng vai trò quan trọng

Bảo đảm an toàn thực phẩm từ bếp ăn tập thể cho công nhân, lao động đóng vai trò quan trọng

Chú trọng an toàn thực phẩm

Ngoài tăng cường thanh, kiểm tra, hậu kiểm, công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP luôn được chú trọng. Từ đó, nhận thức của người dân không ngừng được nâng cao. Người dân chú trọng mua thực phẩm có chất lượng để bảo đảm sức khỏe.

Chị Huỳnh Thị Bảo Trân (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thường chọn mua thực phẩm dùng hàng ngày cho gia đình tại các tiệm tạp hóa lớn, siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích. Trong quá trình chọn lựa hàng hóa, tôi chú trọng xem hạn sử dụng, nhãn mác hàng hóa, thành phần sản phẩm, nơi sản xuất,…”.

Qua siết chặt quản lý và đẩy mạnh truyền thông, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Chị Trần Thị Quyên - chủ hộ kinh doanh trà sữa Sala (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa), chia sẻ: “Bản thân cũng là người tiêu dùng nên tôi luôn quan tâm chọn mua nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng. Qua kiểm tra, tôi kịp thời khắc phục những thiếu sót về điều kiện bảo đảm ATTP theo sự hướng dẫn của đoàn kiểm tra. Nếu có vi phạm về ATTP thì tôi sẵn sàng chịu xử phạt đúng theo quy định”.

Để bảo đảm ATTP, hộ kinh doanh quán gà 79 (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) sử dụng nước chế biến thực phẩm là nước đóng bình. Tại đây, các món ăn được chế biến chủ yếu từ thịt gà và phục vụ khách hàng cả ngày.

Anh Huỳnh Văn Bích - chủ hộ kinh doanh, cho biết: “Nếu thực phẩm không được bảo đảm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nên tôi chú trọng đến nguồn gốc nguyên liệu đầu vào nhằm tạo lòng tin cho khách hàng. Nhân viên chế biến chú trọng vệ sinh cá nhân, khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Việc trang bị bảo hộ lao động cũng được thực hiện trong suốt quá trình chế biến thức ăn. Các trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm được vệ sinh sạch sẽ theo quy định”.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định về ATTP, hiện vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định về ATTP trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao kiến thức về cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả, kém chất lượng.

Trích Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạt vi phạm hành chính về ATTP, có những quy định cụ thể mức phạt khi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm:

1. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cống, rãnh thoát nước thải bị ứ đọng; không được che kín;

b) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy;

c) Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

3. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;

b) Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác đối với nguyên liệu, sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực chứa đựng, kho bảo quản;

đ) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

e) Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan;

g) Khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai không kín; không tách biệt với các khu vực khác; không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết