Tiếng Việt | English

12/04/2021 - 08:51

Đẩy mạnh phát triển mô hình cánh đồng lớn

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An tích cực đẩy mạnh thực hiện mô hình cánh đồng lớn (CĐL) bằng nhiều hình thức. Trong đó, nổi bật là việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) để ổn định đầu ra cho nông sản, qua đó, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Nuôi tôm nước lợ tại một số huyện vùng hạ đạt hiệu quả cao

Nông dân có thu nhập ổn định từ mô hình cánh đồng lớn

Từ mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ban đầu hình thành trong quá trình thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay phong trào xây dựng mô hình CĐL phát triển mạnh mẽ, dần trở thành xu thế trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020, toàn tỉnh thực hiện được 129 cánh đồng với diện tích 14.020,5ha, 3.097 hộ tham gia, trong đó có 7.740,7ha được DN, HTX nhận bao tiêu sản phẩm. Đến cuối tháng 3-2021, vụ Đông Xuân 2020-2021 có 22 DN đăng ký tham gia thực hiện mô hình CĐL với 219 cánh đồng, tổng diện tích 22.203,5ha. Hầu hết, lợi nhuận của các mô hình này bình quân đạt từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập của người dân cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ so với cách làm truyền thống.

Những năm gần đây, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện CĐL với diện tích 200ha tại khu phố 2 và khu phố 3. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Phong Thạnh - Nguyễn Văn Phol cho biết: “Theo thống kê, thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu đầu ra cho HTX TMDV Nông nghiệp Gò Dồ và HTX Hương Trang với tổng diện tích 149ha, 59 hộ. Khi tham gia CĐL, người dân được cung ứng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ, không tính lãi. Đồng thời, hàng tuần, nhân viên kỹ thuật của công ty xuống thăm đồng, theo dõi tình hình sản xuất để kịp thời hướng dẫn người dân xử lý sâu, bệnh nếu có xuất hiện”.

Ông Trần Văn Lánh, ngụ khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống. Khi địa phương có chủ trương xây dựng CĐL, tham gia HTX và liên kết DN, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia và chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất mà công ty đưa ra. Sản phẩm đến cuối mùa được DN đến tận ruộng thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg”.

Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, các cơ chế, chính sách của mô hình CĐL ở nhiều địa phương còn giúp nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hơn. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng thông tin: “Việc tập trung đất đai và tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn theo mô hình CĐL gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa đã từng bước khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khí hậu, tranh thủ được thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và giảm giá thành, chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thời gian qua, nhờ mô hình CĐL mà nông dân mạnh dạn hơn trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, năng suất lúa cũng vì vậy mà tăng đều qua từng năm”.

Tại huyện Tân Thạnh, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, năm 2020, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết: “Năm qua, địa phương xây dựng thành công CĐL với diện tích trên 1.028ha liên kết với DN thu mua. Lợi ích của mô hình CĐL là tăng cường tính liên kết “4 nhà” và các bên tham gia mô hình đều được hưởng lợi ích cao nhất. Lợi ích của nông dân và DN đều được quan tâm; đồng thời, cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống”.

Anh Phạm Văn Là, ngụ ấp Trại Lòn Nam, xã Nhơn Ninh, bộc bạch: “Mô hình CĐL giúp nông dân giảm chi phí giống, lượng phân bón, số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận của nông dân trong mô hình cũng cao hơn so với bên ngoài từ 1,5-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào được cung ứng kịp thời, chủ động, giá hợp lý, bảo đảm chất lượng và được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, góp phần khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc”.

Năm 2021, dự kiến mô hình CĐL sẽ được triển khai tại 130 cánh đồng với diện tích thực hiện 24.650ha, trong đó diện tích vụ Đông Xuân 2020-2021 là 14.670ha. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn, thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các mô hình CĐL hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tích cực đẩy mạnh xây dựng các mô hình CĐL, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức DN, HTX liên kết với nông dân đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tại các mô hình CĐL, các bên cần phối hợp xác định một giống lúa có lợi thế trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất một cách hợp lý theo nhu cầu, hạn chế tình trạng “được mùa - rớt giá”.

“Song song đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại vật tư nông nghiệp như giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sản phẩm được cung ứng chất lượng tốt, ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho sản xuất và nông dân; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho nông dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng CĐL, lợi ích của việc tham gia vào CĐL; tăng cường mời gọi, thu hút DN xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo mô hình CĐL. Ngoài ra, các ngành có liên quan cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản tại các CĐL” - ông Sơn cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết