Tiếng Việt | English

10/11/2018 - 14:04

Để CPTPP không dừng lại ở “cơ hội”, cần thực thi một cách khôn ngoan

Cho rằng CPTPP mang lại cơ hội quý giá, song Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cần phải thực thi hiệp định này một cách nghiêm túc và khôn ngoan.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan vừa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội và đề nghị phê chuẩn. Chủ tịch nước cho rằng Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực, cũng như quốc tế.

Dự kiến, ngày 12/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

 Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp lần này bởi những cơ hội quý giá do hiệp định mang lại.

Phải nắm bắt được cơ hội "vàng"

Theo đánh giá của ông Lộc, CPTPP mang đến cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. 

Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt. (Ảnh minh họa)

“Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá”, ông Lộc nêu rõ.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, tất cả mới chỉ là cơ hội. Bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có đã cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Ông Vũ Tiến Lộc lưu ý, không chỉ tuân thủ các cam kết trong CPTPP mà còn phải ứng phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội mở ra. Không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan. “Tùy từng vấn đề mà chúng ta có thể giải thích cam kết theo nghĩa hẹp để giảm thiểu các chi phí thực thi quá lớn hoặc theo nghĩa rộng, để tận dụng các lợi thế từ cam kết. Các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, về quyền của các nhà đầu tư, về tạo thuận lợi thương mại đều để ngỏ những khả năng này”, ông Lộc gợi ý.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh đến tác động của CPTPP tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. “Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại”, ông Lộc nói.

Theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Do đó, Chủ tịch VCCI lo lắng, với khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ điều này.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần tiếp tục gỡ bỏ “giấy phép con”, đơn giản hóa những thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân để Việt Nam có thể hưởng lợi từ CPTPP.

Tăng khả năng cạnh tranh để hàng Việt vào "sân chơi" toàn cầu

Còn theo nhận định của đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, 200%, điều đó có nghĩa nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài, nếu muốn phát triển ổn định thì phải giữ được cam kết với các thị trường bên ngoài.

Từ đó, ông Cường phân tích: Tham gia CPTPP là một cơ hội rất tốt để Việt Nam giữ vững cam kết của thị trường 10 nước thành viên khác trong khối này. Kể cả khi CPTPP không làm tăng thêm GDP hoặc cơ hội việc làm thì vẫn cần thiết tham gia để Việt Nam giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế.

Theo ông Hoàng Văn Cường, mặt hàng có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ, đồ gia dụng, hàng thực phẩm, rau quả, cà phê, hồ tiêu, thủy sản... Ngược lại, những mặt hàng kém cạnh tranh và đứng gần như “đội sổ” là mỹ phẩm, văn phòng phẩm, phim ảnh, điện, điện tử, vi tính...

Do có lợi thế thấp nên Việt Nam nhận được ưu đãi hơn khi thực hiện đàm phán lộ trình tham gia vào Hiệp định CPTPP. Việt Nam cũng thực hiện lộ trình cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước, có thời gian chuyển đổi kéo dài hơn. “Phần lớn các nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ cho hàng hóa Việt Nam rất cao, ví dụ Canada 94%, Chile 95%, Nhật Bản 86%, thấp nhất như Mexico là 77%. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam chỉ phải cắt giảm 66% sau khi tham gia. Các dòng thuế này có lộ trình 3 năm sau mới tăng lên 86%”, ông Cường cho hay.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Hoàng Văn Cường

Với lợi thế như vậy, ông Cường đặt câu hỏi: :Liệu hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào thị trường toàn cầu được hay không? Có cạnh tranh được hay không?

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện để các hàng hóa được tham gia đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa tính hàm lượng giá trị khu vực (được gọi là RVC), tính bằng giá trị hàng hóa trừ đi phần nguyên liệu mà không có xuất xứ trong khối trên tổng giá trị hàng hóa. “Đây có lẽ là điều thách thức rất lớn đối với các hàng hóa của chúng ta”, ông Cường đánh giá.

Ông Cường chỉ rõ: Dệt may được cho là ngành có lợi thế nhưng thực tế nguyên liệu xuất xứ phần lớn không nằm trong khối này, như vậy nếu tính tiêu chí về quy tắc xuất xứ, có khả năng Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn các điều kiện để đưa vào trong khối. Chính vì vậy, để đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ, phải sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các nước mà không phải là các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này.

Đặc biệt, theo nhận định của ông Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang leo thang, nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường Trung Quốc tìm nước thứ ba không bị ảnh hưởng để đầu tư đưa hàng hóa sang trong khối hoặc cho Mỹ. Nếu nắm bắt tốt cơ hội thì Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp chế tạo chế biến cho khối và cho khu vực.

Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra tình trạng hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước không phải trong khu vực sẽ tuồn vào, điều này rất nguy hại hoặc làm chết các hoạt động sản xuất trong nước hoặc bị rơi vào tình trạng vi phạm cam kết. Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Chia sẻ bài viết