Tiếng Việt | English

14/04/2021 - 22:40

Để thanh long phát triển bền vững

Nhiều năm qua, thanh long được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là người dân huyện Châu Thành và Tân Trụ. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng thanh long vẫn thường xuyên rơi vào cảnh lao đao vì “được mùa - rớt giá”. Để cải thiện tình trạng này, nông dân cần tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp (DN), từng bước ổn định giá và đầu ra cho nông sản.

Vấn đề đầu ra luôn là niềm trăn trở của người trồng thanh long

Vấn đề đầu ra luôn là niềm trăn trở của người trồng thanh long

Cần đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất

Hiện nay, toàn tỉnh có 12.167,7ha thanh long, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 102,4% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích cho trái khoảng 11.142ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Tại huyện Châu Thành, thanh long được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, người trồng thanh long chủ yếu canh tác theo hướng truyền thống nên đầu ra của sản phẩm vẫn chưa được ổn định.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, thực hiện Đề án sản xuất thanh long theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tính đến tháng 3/2021, toàn huyện có khoảng 9.100ha thanh long, trong đó thanh long ruột trắng khoảng 1.000ha, thanh long ruột đỏ khoảng 8.100ha, diện tích đang cho trái khoảng 8.500ha, sản lượng đạt 297.500 tấn. Những năm gần đây, thanh long trở thành cây trồng chủ lực của huyện cũng như của tỉnh. Ngành Nông nghiệp huyện luôn tích cực vận động, khuyến khích người trồng thanh long tham gia các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn cho biết: “HTX có 545 hộ thành viên chia thành 19 tổ hợp tác, với diện tích trên 352ha. Thời gian qua, các thành viên HTX tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích thanh long của HTX đều là thanh long ứng dụng công nghệ cao”.

Cũng theo ông Sơn, thời gian tới, diện tích thanh long ứng dụng công nghệ cao của HTX sẽ chuyển dần sang thanh long sản xuất theo hướng VietGAP và có khoảng 30-50% thanh long sẽ sản xuất theo hướng GlobalGAP. Hiện HTX có khoảng 60ha thanh long được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và trong năm 2021, HTX sẽ thực hiện thêm 50ha thanh long theo hướng VietGAP, 50ha thanh long theo hướng GlobalGAP.

“Hiện nay, HTX đang tích cực vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đầu ra bền vững. Bước đầu, HTX sẽ hỗ trợ mỗi hécta thanh long từ 400-500kg phân vi sinh và cam kết hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Đồng thời, HTX sẽ phối hợp ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ về kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP” - ông Sơn cho biết thêm.

Ông Lê Tấn Bửu - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân, chia sẻ: “Hiện nay, nhiều hộ trồng thanh long muốn chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng chưa nắm rõ các quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, người dân lo lắng chi phí đầu tư chuyển đổi cao mà đầu ra vẫn chưa được bảo đảm”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) nói: “Hiện nay, tôi chuyển đổi phương thức canh tác thanh long từ truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm, hướng đến ký kết hợp đồng bao tiêu dài hạn với các công ty thu mua. Vì thời gian qua, vấn đề đầu ra luôn là nỗi lo chung của người trồng thanh long. Với trái thanh long, người trồng phải bán được giá từ 15.000 đồng/kg trở lên thì mới có lợi nhuận. Do đó, việc đầu tư chuyển đổi hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là cần thiết để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long và tìm kiếm đầu ra ổn định”.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - Nguyễn Quốc Trịnh, thanh long là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận thu được hàng năm từ 100-300 triệu đồng/ha. Nhưng hiện đầu ra sản phẩm chưa ổn định, nông dân chủ yếu vẫn sản xuất thanh long theo phương pháp truyền thống nên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính mà chỉ bán cho thị trường dễ tính như Trung Quốc, Đài Loan theo đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc. Bán theo phương thức này thì chịu tác động nhiều bởi thị trường. Mặt khác, do không có hợp đồng lâu dài nên mối quan hệ buôn bán giữa các bên cũng không có sự bền vững. Để đầu ra của thanh long ổn định, phải mở rộng tìm kiếm thị trường, tránh phụ thuộc tuyệt đối vào thị trường Trung Quốc.

“Hiện nay, nhu cầu thanh long ở nhiều nước trên thế giới vẫn rất lớn nhưng sản phẩm thanh long của nước ta vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường, nông dân phải trồng thanh long sạch (theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP); không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; trồng theo quy hoạch. Đồng thời, cần có sự tổ chức sản xuất hợp lý theo hình thức tổ hợp tác, HTX cùng thực hiện theo quy trình và giám sát lẫn nhau để có sản lượng đáp ứng yêu cầu” - ông Trịnh cho biết.

Ông Võ Văn Vấn thông tin, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp các ngành chức năng và các ban chuyên môn tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục làm cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và đi đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

“Mục tiêu mà huyện đề ra đến năm 2025 là có khoảng 5.500ha thanh long ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng trồng 300ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời gian tới, để thanh long trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Mặt khác, tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ để góp phần nâng cao chất lượng và tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm thanh long, tăng thu nhập cho nông dân” - ông Vấn cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết