Tuần qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp trên trang cá nhân nói về nguy cơ có thể mất tiền tỉ chỉ vì không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Theo chia sẻ, 3 năm trước, chị mua BHNT cho mình và con trai với mức phí 700 triệu đồng/năm.
Do tin tưởng nhân viên tư vấn cũng là người quen nên chị ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cả gốc lẫn lãi là 10 tỉ đồng. Gần đây, chị mới biết, nếu đóng đến năm thứ 10 thì số tiền có thể ít hơn 7 tỉ đồng tiền gốc, chứ không cao như tư vấn ban đầu và hợp đồng của chị có thời hạn lên đến 74 năm, của con trai chị là 42 năm. Đồng thời, chị cũng không biết hợp đồng BH này ngoài sản phẩm chính còn có sản phẩm bổ trợ (số tiền nộp vào sản phẩm bổ trợ không thể rút ra).
Những chia sẻ trên gây chú ý trong dư luận, nhất là với những người tham gia BHNT. Từ đây, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng những người tư vấn BH thường nhập nhằng thông tin và chỉ tư vấn về những điều có lợi cho khách hàng, không đề cập đến những rủi ro. Luồng ý kiến khác cho rằng, lỗi ở người tham gia BHNT, bởi đây là quyền lợi của chính mình nên phải tìm hiểu kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Công ty TNHH BHNT MVI yêu cầu kiểm soát hoạt động và báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về Cục Quản lý, giám sát BH. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý BH, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm của đại lý BH.
Luật BH năm 2022 quy định khá rõ về hoạt động kinh doanh BH với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên nhưng thực tế ít có khách hàng nào dành thời gian để nghiên cứu luật và nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mà chủ yếu tìm hiểu qua người tư vấn bán sản phẩm. Nguyên nhân một phần là hợp đồng quá dài, lại sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn nên khách hàng không có thời gian tìm hiểu. Khi tư vấn, nhân viên thường nhấn mạnh về lợi ích của việc tham gia BH khi gặp rủi ro và các quyền lợi đi kèm như dịch vụ khám sức khỏe định kỳ hay phần tiền lãi nhận được. Về mức chi trả, phạm vi BH cũng như điều kiện BH, khách hàng ít được tư vấn.
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia BHNT, khách hàng cần cân nhắc kỹ khả năng tài chính để lựa chọn sản phẩm phù hợp trên cơ sở hiểu đúng việc mua BH là để bảo vệ tài chính, sức khỏe của bản thân và gia đình. Sau khi lựa chọn được gói sản phẩm thích hợp, cần xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nhất là quyền lợi BH; quyền, nghĩa vụ của người tham gia BH, các điểm loại trừ; bảng minh họa;... Khi tham gia BHNT, điều cần thiết là cần khai rõ tình trạng sức khỏe để tránh nhập nhằng sau này, bởi đã có trường hợp khách hàng không được nhận BH vì không khai báo đúng tình trạng sức khỏe trước đó. Hợp đồng BH là sự ràng buộc trách nhiệm của các bên, có điểm gì chưa rõ, khách hàng phải hỏi người tư vấn hoặc thông qua tổng đài; đồng thời, phải tìm hiểu kỹ mình sẽ chịu những khoản chi phí nào, khấu trừ bao nhiêu và trong bao nhiêu năm.
BH là sản phẩm nhằm giảm thiểu mất mát và có nguồn tài chính dự phòng khi rủi ro xảy ra, không phải là kênh đầu tư sinh lời. Nhiều khách hàng khi tham gia BHNT vẫn cho rằng đây là kênh đầu tư tài chính, đến khi nhận phần lãi không như mong muốn lại chỉ trích công ty. Thời gian qua, những ồn ào liên quan đến các hợp đồng BH phần nào đã làm giảm niềm tin của khách hàng, mặc dù nếu hiểu đúng về giá trị cốt lõi thì việc tham gia BHNT rất có ích cho bản thân và gia đình.
Mỗi người đều có những phương án dự phòng cho cuộc sống và tham gia BHNT là một trong những phương án được rất nhiều người lựa chọn. Tham gia BHNT là mua “tấm vé” dự phòng cho những rủi ro nên điều quan trọng nhất là khách hàng phải tìm hiểu kỹ trong vài tuần, vài tháng chứ không thể chỉ nghe người thân tư vấn và ký hợp đồng, để rồi “tiền mất, tật mang”./.
Tâm An