Tiếng Việt | English

09/04/2021 - 14:05

Để vụ Hè Thu thắng lợi

Sau vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi, thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tất bật vệ sinh đồng ruộng và làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè Thu 2021.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện (bìa trái) kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên lúa vụ Hè thu

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện (bìa trái) kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên lúa vụ Hè thu

Tất bật vệ sinh đồng ruộng

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, tổng diện tích gieo sạ lúa HT gần 3.800ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Mộc Hóa, Cần Đước, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường. Trong đó, có 323ha đã thu hoạch, năng suất khô ước 56 tạ/ha, sản lượng 1.817 tấn. Ngoài ra, tại Vĩnh Hưng, Tân Trụ, Thủ Thừa,... nông dân đang thu hoạch vụ lúa ĐX 2020-2021 và tích cực vệ sinh đồng ruộng, tập trung phòng trừ sâu, bệnh để xuống giống vụ HT 2021.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ lúa HT 2021, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân theo dõi lịch thời vụ để xuống giống đồng loạt, không gieo sạ trong tháng 3; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật để né rầy và sâu năn; thực hiện cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch vụ ĐX, vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét để cắt đứt nguồn bệnh lây sang lúa HT; giới thiệu một số giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, kháng sâu, bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, chất lượng hạt gạo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu với các nhóm giống chủ lực như OM 4900, OM 5451, OM 18, IR 4625,…”.

Vừa thu hoạch xong lúa ĐX 2020-2021, bà Trần Thị Lan, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tiến hành đốt rơm rạ, bơm nước, cày xới đất,... để chuẩn bị xuống giống vụ HT. Bà Lan cho biết: “Mặc dù vụ ĐX được mùa, trúng giá nhưng không vì vậy mà tôi nôn nóng xuống giống vụ HT. Tôi theo dõi và chấp hành tốt các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương để có vụ mùa bội thu”.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân để chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu

Nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân để chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu

Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh

Hiện nay, một số loại sâu, bệnh đã xuất hiện và gây hại trên lúa HT: Bệnh đạo ôn lá (2.020ha), rầy nâu (1.473ha), sâu năn (85ha), sâu cuốn lá nhỏ (20ha),... Hầu hết diện tích xuất hiện sâu, bệnh đều trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh tại huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường - Bùi Văn Ê chia sẻ: “Vụ lúa HT, nông dân xuống giống 1.670ha, trong đó 200ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 300ha nhiễm rầy cánh phấn, 200ha bị bệnh cháy bìa lá, 300ha bệnh cháy lá,... Ngoài ra, một số diện tích còn xuất hiện một số đối tượng gây hại như sâu năn, sâu đục thân, ngộ độc phèn, rầy nầu,... với mật độ và tỷ lệ thấp. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phòng ngừa tốt dịch hại, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm và phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách)”.

Huyện Tân Thạnh hiện nông dân đã xuống giống được 24.337,5/28.000ha lúa HT. Thời gian qua, các loại bệnh như đạo ôn lá, sâu cuốn lá phát triển mạnh trên trà lúa đẻ nhánh; trên các trà lúa đòng trổ và đẻ nhánh, rầy nâu cũng xuất hiện và gây hại. Để phòng trừ sâu, bệnh, góp phần cho vụ HT thắng lợi.

Ông Đỗ Văn Tám, ngụ ấp Tân Chánh An, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật như quy trình “1 phải, 5 giảm”, bón phân theo phương châm “3 nhìn”: Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây; bón phân tập trung nặng đầu, nhẹ đuôi, hạn chế bón thừa phân đạm,… nên các loại sâu, bệnh gây hại được phòng trừ kịp thời, không ảnh hưởng lớn đến năng suất và thu nhập”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Để vụ lúa HT 2021 thắng lợi, nông dân cần thực hiện nghiêm việc xuống giống vụ HT theo lịch né rầy và sâu năn, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, tránh lây lan mầm bệnh sang vụ lúa HT chính sẽ gieo sạ vào tháng 4 đến 5-2021. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch lúa, vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở các kênh, mương để cắt đứt nguồn dịch bệnh lây sang lúa HT chính vụ. Sau khi kết thúc vụ ĐX 2020-2021, nông dân không tiếp tục gieo sạ lúa HT sớm 2021 vào tháng 3; đối với diện tích lúa HT đã gieo sạ sớm, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý nhanh, kịp thời các sinh vật gây hại, nhất là sâu năn và rầy nâu truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

“Song song đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và nguồn nước để kịp thời khuyến cáo nông dân bơm tưới khi xảy ra hạn cục bộ, lưu ý các vùng có khả năng bị ảnh hưởng của hạn và chủ động có các giải pháp để ứng phó kịp thời. Khuyến cáo nông dân chăm sóc, bón thúc sớm, bón phân cân đối NPK và bổ sung các loại phân có chứa Ca, Si,... tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, đẻ nhánh sớm,...”, ông Thiện nói./.                

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết