Thắc mắc về việc đi làm sớm trước thời hạn nghỉ thai sản nêu trên của chị Trần Lan Anh (ở TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên.
Liên quan vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, theo điều 34 luật BHXH năm 2014 quy định mỗi lao động nữ khi sinh con được nghỉ thai sản với tổng thời gian 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Cần lưu ý thời gian nghỉ trước khi sinh không được quá 2 tháng.
Pháp luật hiện cũng quy định người lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con, tuy nhiên phải đáp ứng đủ các điều kiện:
- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất được 4 tháng.
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.
Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con (NHẬT THỊNH)
Trong đó, tiền lương được trả theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tiền lương này do người sử dụng lao động chi trả cho người lao động.
Còn tiền trợ cấp thai sản sẽ do Quỹ BHXH chi trả cho người lao động. Mức hưởng của chế độ thai sản, theo điều 39 luật BHXH, bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, lao động nam nghỉ thai sản khi vợ sinh... là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Đóng tiếp BHXH bắt buộc
Ngoài ra, theo điều 137 bộ luật Lao động năm 2019 về bảo vệ thai sản, quy định người sử dụng lao động không bố trí lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp người đó đồng ý.
Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được nghỉ mỗi ngày làm việc 1 tiếng đồng hồ (NGỌC DƯƠNG)
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và ưu tiên ký lại hợp đồng nếu hợp đồng lao động cũ hết hạn đối với người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương của ngày làm việc theo hợp đồng lao động. Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý cho làm việc thì người này được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tiền lương và trợ cấp thai sản, BHXH TP.HCM cũng lưu ý rằng lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản mà quay lại làm việc sớm, thì cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động đều phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp./.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo điều 31 luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Trong đó, nếu lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Nếu người lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
|
Phạm Thu Ngân/thanhnien.vn