Tiếng Việt | English

28/02/2023 - 17:17

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An giám sát thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022

Ngày 28/02, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An làm Trưởng đoàn tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022” tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông về cơ bản được ngành triển khai, thực hiện theo lộ trình, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu về đổi mới giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục về sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được giáo viên, học sinh bắt nhịp ngay từ khi triển khai, thực hiện.

Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện giám sát tại Sở GD&ĐT

Những kết quả triển khai nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho toàn tỉnh trong việc triển khai, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giúp cho ngành Giáo dục tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật. Công tác tổ chức dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai theo đúng lộ trình, nội dung phù hợp với khả năng tiếp thu của học các đối tượng học sinh.

ĐBQH nêu một số vấn đề giám sát đối với Sở GD&ĐT

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, hầu hết các trường chưa có giáo viên có thể dạy các môn mới nên chỉ có thể phân công giáo viên luân phiên dạy từng phân môn.

Nguồn tuyển dụng để bổ sung giáo viên còn thiếu do Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn giáo viên nâng cao hơn so với Luật cũ. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo chưa tương xứng dẫn đến việc bảo đảm cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông còn gặp khó khăn, nhất là tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học theo lộ trình của Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội,…

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái thông tin một số kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội

Sở GD&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức, nhất là chính sách tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành GD&ĐT để đội ngũ an tâm công tác, gắn bó với nghề. Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi một số Thông tư hướng dẫn hiện hành phù hợp với thực tiễn nhằm giúp ngành thực hiện tốt hơn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD&ĐT trong thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An phát biểu tại buổi giám sát

Bà đề nghị Sở GD&ĐT cần chủ động phối hợp các ngành liên quan phân cấp, phân quyền trong quản lý; tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đào tạo giáo viên phải gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong việc tuyển dụng, nâng chuẩn trình độ giáo viên của các cấp học, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, ngành cần xây dựng các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, nhất là xây dựng trường học ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Riêng đối với các kiến nghị của Sở GD&ĐT, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích