Không chỉ sinh viên sau khi tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mà chính các doanh nghiệp Việt cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi không đủ khả năng thu hút người tài và giữ chân họ. Vậy tại sao lại có nghịch lý như vậy?
Nghịch lý cung – cầu
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cuối năm 2014, có tới hơn 750.000 người có trình độ cao đẳng, đại học không tìm được việc làm hoặc phải làm các nghề không đúng với trình độ được đào tạo, hơn 147.000 người trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp.
Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong những năm gần đây. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho lý do tại sao sinh viên không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành, trong đó lý do xuất phát chính là bởi nguồn lực được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại.
Tình trạng thất nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng hổi hiện nay
Các doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn khi tuyển dụng tràn lan, liên miên nhưng kết quả không được như ý. Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệp thực tế, khó bắt nhịp với hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí một số kỹ năng đơn giản như viết CV, email cũng không “đến nơi đến chốn”. Nhân viên không đáp ứng được công việc dẫn đến việc đào thải diễn ra liên tục, tốn công sức đào tạo cũng như chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu hết sinh viên khi ra trường đều mang nặng tâm lý sẵn sàng “nhảy việc” đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “dở khóc dở cười”, đào tạo nhân viên cho đối thủ.
Theo chị Nguyễn Thị Minh Khuê – Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty Cổ phần Công nghệ DKT chia sẻ: “Với mức độ phát triển của công ty như hiện nay, mỗi năm số lượng nhân viên tăng trưởng gần gấp đôi. DKT hướng xây dựng môi trường làm việc trẻ trung, năng động nên đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp, DKT sẵn sàng tạo điều kiện để các bạn nhanh chóng hòa nhập môi trường mới và được học tập, phát triển bản thân. Đồng thời, công ty cũng luôn rộng mở đón chào sinh viên kiến tập, thực tập cùng nhiều cơ hội chính thức được làm việc tại công ty ngay sau khi tốt nghiệp.”
Chị Khuê cũng cho hay “nhảy việc” là tình trạng không hiếm gặp ở bất kỳ công ty nào. Có không ít bạn chưa nhận thức rõ được khả năng của mình, sau khi được đào tạo lại xin nghỉ việc gây lãng phí cho công tác tuyển dụng đồng thời phải tiến hành đào tạo lại từ đầu cho người mới. Đó là chưa tính chi phí quảng cáo, đăng tin trên các diễn đàn, group mà doanh nghiệp phải trả cho mỗi mùa tuyển dụng.
Xóa bỏ tư duy “lối mòn”
Trước khi chờ đợi những giải pháp từ các cơ quan chức năng và chính sự thay đổi trong cách nghĩ của sinh viên, nhà tuyển dụng cần thay đổi vai trò, định hướng của mình.
Một thực tế dễ thấy là hình thức tuyển dụng của các doanh nghiệp Việt còn thiếu sự sáng tạo, không có tính thu hút cao. Quy trình tuyển dụng “một màu”, công ty A giống công ty B, C, D... và không thay đổi qua hàng chục năm sẽ kìm hãm sự phát triển chung. Những “kỹ thuật tuyển dụng” thường được áp dụng như tăng mức lương, giảm giờ làm việc, phụ cấp... đã không còn phát huy nhiều tác dụng mà thay vào đó các ứng viên thích những đơn vị tuyển dụng sáng tạo, độc đáo và hơn nữa là môi trường làm việc năng động, thú vị, tạo nguồn cảm hứng.
Môi trường làm việc là một trong những yếu tố các ứng viên quan tâm nhất
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp chủ yếu tìm kiếm, nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp qua mạng Internet với những vấn đề cơ bản như lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề phụ trách, những thông tin rất cứng nhắc trong khi yếu tố thu hút, làm nên sự khác biệt như văn hóa doanh nghiệp lại khó nhận thấy. Một trong những nguyên tắc tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay không phải là tìm những người tài giỏi với kiến thức hàng đầu mà phải là tìm những người phù hợp với tính chất và văn hóa công ty. Bởi vậy các doanh nghiệp cần chia sẻ trọng trách tìm kiếm và thu hút nhân tài từ phòng Nhân sự sang phòng Marketing – Truyền thông. Khi thương hiệu được đẩy mạnh, văn hóa công ty được truyền tải, nó sẽ giống như “thỏi nam châm” hút mọi ứng viên về doanh nghiệp, đồng thời giữ chân nhân tài lâu dài.
Người tài thường ý thức được tài năng của họ. Không chỉ đơn giản là tìm kiếm một công việc, thứ họ cần là một công ty với những dự án tuyệt vời, môi trường thuận lợi để phát triển.
Bài toàn tìm kiếm nhân tài với các doanh nghiệp Việt sẽ không bao giờ có lời giải nếu chính các công ty không tìm được phương hướng riêng, thay đổi suy nghĩ lối lối mòn. Quá trông chờ vào sự thay đổi trong nhận thức sẽ chỉ khiến doanh nghiệp mất đi người tài năng và dần tụt hậu trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay./.
Mai Hương/VOV.VN