Tiếng Việt | English

14/10/2022 - 08:29

Doanh nhân giàu, đất nước mạnh

Khi vừa giành được độc lập, còn muôn vàn khó khăn, nền kinh tế mới manh nha của giai đoạn bảo vệ chính quyền và kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn về vị trí, vai trò của giới doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Trong lá thư gửi giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945, Người viết: “Hiện nay, công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm tôn vinh vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong tiến trình phát triển.

Trong suốt tiến trình cách mạng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tính đến nay, cả nước có gần 7 triệu doanh nhân, 860 ngàn DN. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội. Bên cạnh đó, thể hiện trách nhiệm với xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ DN sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn với nhiều hoạt động nghĩa tình giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch như ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, vật tư, trang thiết bị y tế, sinh phẩm,... Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, các DN còn nỗ lực vượt qua thách thức, thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển KT - XH.

Chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn năm 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ, phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 - 65%.

Để hiện thực hóa khát vọng này, cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật về kinh doanh; nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong quản lý và tính chuyên nghiệp trong hoạt động; linh hoạt, sáng tạo hơn trong cạnh tranh và hội nhập; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức trong kinh doanh cũng như tạo thêm sự liên kết phát triển chặt chẽ giữa các DN.

Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng DN, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa DN, doanh nhân làm ăn phi pháp; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức vào ngày 12/10/2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Bên cạnh các mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện thể chế, Chính phủ sẽ nỗ lực cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe cộng đồng DN, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, DN và người dân. Chính phủ sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của DN; luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN; đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với DN và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng nhiều chính sách hỗ trợ sẽ tạo động lực cho DN phát triển. Hy vọng rằng, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN sẽ phát huy vai trò, năng động, sáng tạo, lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm gốc, khoa học - công nghệ hiện đại là năng lực cạnh tranh để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam phát triển và cường thịnh./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết